Làng cổ Nghi Tàm giữa lòng Thăng Long - Hà Nội
Cập nhật: 11-09-2010 | 00:00:00
Nằm ngay mép nước hồ Tây, làng Nghi Tàm có lịch sử gắn liền với lịch sử
của hồ nước giàu chất huyền thoại, là một trong 3 làng cổ của phường Quảng An,
quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là địa danh mang đậm các dấu tích văn hóa, từ các di
tích lịch sử đến nghề truyền thống. Trải qua bao biến thiên cuộc sống, nhưng những
dấu tích văn hóa - lịch sử vẫn được nâng niu, gìn giữ gần như nguyên vẹn tới
ngày nay.Làng Nghi Tàm được hình thành từ năm 1138, đời vua Lý Thần Tông với tên
khai sinh là trại Tầm Tang. Cái tên trại do chính nhà vua đặt. Trại Tầm Tang gắn
với tích công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông dời cung về nơi này dạy dân trồng
dâu, nuôi tằm tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long về nghề
tơ tằm. Đến thời Trần, trại đổi tên là phường Tích Ma và khi đó cư dân lại phát
triển nghề se gai, dệt lưới đánh cá. Sang đến thời Lê, phường Tích Ma đổi tên
thành Nghi Tầm do thời Hậu Lê, tiểu thư Quỳnh Hoa cùng chồng là Liễu Nghị, Tri
phủ Phụng Thiên về ở đây, đã khôi phục lại nghề tằm bị mai một, đưa cung nữ ra
cùng dân chăn tằm kéo tơ dệt lụa khổ nhỏ. Sau do trùng với tích bà Từ Hoa công
chúa rời cung về dạy nghề cho dân làng nên đổi lại thành Nghi Tàm. Nghi Tàm thuộc
tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận. Sau này qua nhiều biến chuyển thời gian, làng
Nghi Tàm thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Trước kia, làng Nghi Tàm chia
thành ba xóm: Xóm Chùa, xóm Trên, xóm Cái. Làng nổi tiếng khắp vùng về thắng cảnh
đẹp. Nghi Tàm cũng là quê hương của bà Huyện Thanh Quan, tác giả của những bài
thơ hoài cổ nổi tiếng. Trong “Bát cảnh hồ Tây” thì Nghi Tàm đã hội tụ tới ba cảnh
đẹp, gồm “Bến Trúc Nghi Tàm” là một cây cầu, nơi trước kia các nhà thơ thường
ra đó vịnh thơ, vẫn còn lưu lại đến ngày nay, “Đồng bông Nghi Tàm” tức cánh đồng
hoa nay bị mất đi do đô thị hóa và “Tiếng đàn Thành Cung” - nơi nhà vua phát ra
tiếng đàn vẫy gọi chim muông, dấu tích vẫn còn ngay trong sân chùa Kim Liên.
Nghi Tàm cũng là quê hương của bà Huyện Thanh Quan, tác giả của những bài thơ
hoài cổ nổi tiếng qua các thế hệ. Nghi Tàm nổi danh với hai di tích chùa Kim
Liên và đình Nghi Tàm được xây dựng từ thời Lý, gắn với sự hình thành và phát
triển của đất Thăng Long. Cổng chùa Kim Liên có một tấm bia chạm đôi rồng mang đậm
phong cách thời Lý và chùa cũng là một thắng cảnh đẹp của vùng hồ Tây. Đình
Nghi Tàm thờ tới 6 vị thành hoàng làng; trong đó có bà Quỳnh Hoa công chúa, con
một vị vua đời Lý. Hai di tích này được người làng Nghi Tàm bảo tồn tôn nghiêm,
bởi nó là hồn khí nhiều đời nay của dân làng. Làng cổ Nghi Tàm có những nghề truyền thống với bề dày gần trăm năm
nay, đó là nghề trồng cây cảnh và nuôi cá cảnh, phát triển sôi động một thời.
Những người sành chơi cây ở Hà Nội đều biết tới cây cảnh Nghi Tàm với những gốc
cổ thụ hoặc các loài quý hiếm. Nghi Tàm cũng nổi tiếng là làng nuôi cá cảnh với
những tay nuôi cá tài nghệ, biết lai tạo giống mới, vỗ cá đẹp, mau lớn khiến ai
cũng nể trọng. TRẦN NGUYỄN