Chương trình “Tôi yêu Bình Dương” do Báo Bình Dương tổ chức thực hiện đã ra mắt được hơn 10 số. Dư âm của mỗi tập ắt hẳn còn lưu lại tâm trí của nhiều người. Với tôi, câu chuyện lịch sử hình thành Chợ Thủ Dầu Một có gì đó rất tự hào, thân thương đến lạ…
Đổi thay theo từng con sóng
Có nhiều đêm, khi phố lên đèn, tôi có thói quen lang thang bên bờ sông Sài Gòn, để lắng nghe nhịp sống đang sinh sôi nảy nở trong từng khoảnh khắc, để lặng im nghe chợ Thủ thì thầm. Ở bên này là chợ Thủ, ngó sang bên kia là huyện Củ Chi, đôi bờ chỉ cách bởi một chuyến phà.
Hàng trăm năm trước, chỗ tuyến đường Bạch Đằng hoạt động giao thương sầm uất “trên bến dưới thuyền”. Những ngôi “nhà chồ” được dựng lên ven bờ sông Sài Gòn, nơi đây bày bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Những đôi tay tài hoa của những con đất Thủ, đã gửi trọn tình cảm của mình qua từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đến với người tiêu dùng.
Chợ Thủ ngày xưa (ảnh tư liệu)
Nào là gốm sứ, nào là hàng đan mây tre lá, nào là đồ gỗ mỹ nghệ được chạm khắc tinh xảo… Khách thương hồ từ lục tỉnh miền Tây ghé bến Bạch Đằng (ngày nay) giao thương trao đổi hàng hoá. Họ lên chợ Thủ lấy hàng thủ mỹ nghệ, nhưng không quên mang theo đặc sản của vùng sông nước như: trái cây, nông sản, cá mắm… để giao lưu hàng hoá với dân địa phương.
Người Pháp khá tinh ý, khi thấy hoạt động buôn bán trao đổi hàng hoá diễn ra trên bến sông Sài Gòn tấp nập, họ quyết định dựng nên ngôi chợ Thủ. Đưa hoạt động thương mại đi vào nề nếp và chuyên nghiệp hơn…
Ngày nay, những ngôi “nhà chồ” ven bến Bạch Đằng đã không còn tồn tại. Một sự thay đổi tất yếu. May mắn thay, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà tiền nhân lưu lại, đã phát triển thành những sản phẩm công nghiệp, xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới.
[Xem thể lệ Cuộc thi thực hiện sản phẩm và viết cảm nhận “Tôi yêu Bình Dương”]
Người Bình Dương đang rất tự hào khi trở thành là địa phương xuất khẩu gốm sứ và đồ gỗ thuộc top đầu của cả nước; từ những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Cái nôi của nghề truyền thống chính là bệ phóng giúp cho Bình Dương chuyển mình mạnh mẽ, từ nông nghiệp chuyển sang phát triển công nghiệp như ngày nay.
Đêm phố lên đèn. Những ngọn đèn dầu mù u, thắp sáng chợ Thủ năm nào cũng không còn tồn tại. Ánh sáng đèn điện, ánh sáng văn minh và phát triển đã tràn ngập phố xá mỗi khi đêm về.
Tiếng xe cộ, tiếng người nói cười lao xao bến Bạch Đằng. Tĩnh lặng ngắm sông Sài Gòn, ngắm những chuyến đò xuôi ngược, người ta còn lắng nghe được tiếng sóng vỗ. Từng lớp sóng xô vào nhau, nhưng ai đó đã từng ví von “Trường Giang sóng sau xô sóng trước”… Mừng cho chợ Thủ, vui cho Bình Dương đã thật sự thay đổi để đưa cuộc sống mọi người dân sung túc hơn, hạnh phúc hơn!
Chợ Thủ, một biểu tượng đáng tự hào
Khi số đầu tiên được ra mắt độc giả báo Bình Dương, Chợ Thủ đã khơi gợi lại nhiều ký ức của những người con sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Thủ Dầu Một. Chợ Thủ như một báu vật, là biểu tượng rất đáng tự hào…, nhắc đến thôi đã đủ khơi gợi nhiều cảm xúc.
Ngược dòng lịch sử, khi ấy ngoài Cù Lao Phố (Biên Hoà- Đồng Nai), Bến Nghé (Sài Gòn), thì Bến Bạch Đằng (chợ Thủ) cũng là nơi có hoạt động thương mại sầm uất có tiếng ở xứ Nam Kỳ. Nói sao người Bình Dương không tự hào khi nói về chợ Thủ!
Chợ Thủ ngày nay nhìn từ trên cao
Chú Nguyễn Thanh Tâm, nguyên Trưởng ban Thi đua khen thưởng tỉnh Bình Dương bồi hồi nhớ lại: Thời trai trẻ, ông thường đi chiếc xe đạp cà tàng, đạp hàng chục cây số từ Bến Cát về chợ Thủ chơi mỗi tối. Mỗi góc chợ, mỗi gian hàng bày bán các sản phẩm đặc trưng vẫn được ông nhớ như in trong ký ức.
Theo chú Tâm, chợ Thủ nổi tiếng tới nổi, khi mời ai đó đi chơi chợ Thủ đó thật sự là lời mời rất “sang chảnh” và thể hiện sự trân trọng đối với người được mời. Chẳng phải ngày xưa, đôi lứa yêu nhau cũng hay rủ rê nhau về chợ Thủ sao?
Chợ Thủ của ngày nay, của kỷ nguyên công nghiệp đô thị đã khoác lên mình bộ áo mới: hiện đại hơn, sầm uất hơn. Phố đi bộ cũng vừa được khánh thành, giúp người dân Bình Dương và người dân bên kia bờ (Củ Chi) có thêm một địa điểm vui chơi giải trí lành mạnh vào mỗi buối tối.
Dòng người vẫn đổ về chợ Thủ, trong đó không ít người đã chọn Bình Dương là quê hương thứ hai, là nơi để an cư lạc nghiệp. Hoà nhịp sôi nổi cùng phố đêm, của chợ Thủ có rất nhiều đôi lứa đang hẹn hò yêu thương…
Hoá ra tình yêu ngày xưa và ngày nay chẳng khác bao nhiêu. Chợ Thủ vô tình cũng trở thành biểu tượng của tình yêu, là nơi đôi lứa hẹn hò… Còn yêu nhau thì về chợ Thủ!
Phùng Hiếu