Làng tre Phú An: Mô hình mang tầm cỡ toàn cầu

Cập nhật: 28-09-2010 | 00:00:00

Khu Bảo tàng sinh thái tre và Bảo tồn thực vật (Làng tre Phú An - LTPA) là một trong số 25 dự án trên thế giới được UNDP trao giải thưởng Xích đạo về đa dạng sinh học vào thời điểm Năm quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Công trình này bắt đầu được hình thành từ năm 1999 trên ý tưởng khoa học của tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (KHTN) TP.HCM với sự hợp tác giữa 4 đơn vị: vùng Rhône Alpes (Pháp), UBND tỉnh Bình Dương, Vườn thiên nhiên Pilat (Pháp) và trường Đại học KHTN TP.HCM. Được trao giải thưởng Xích đạo về đa dạng sinh học, LTPA đã trở thành một mô hình mang tầm cỡ toàn cầu...

Làng tre sinh thái Phú An

Bà Trần Thị Kim Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương: Công trình này đã mở ra cho tỉnh Bình Dương thêm một hướng phát triển mới: Phát triển công nghiệp trong chiến lược bảo vệ môi trường. Phát triển vùng sinh thái Phú An có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, một mặt bảo tồn các giống tre truyền thống của Việt Nam, một mặt tạo ra “lá phổi xanh” của tỉnh Bình Dương, rất cần thiết cho địa phương trong quá trình phát triển công nghiệp một cách bền vững, thân thiện với môi trường tự nhiên.    

Sự ra đời ý tưởng về LTPA theo tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, vốn xuất phát từ một lần về quê xã Phú An(huyện Bến Cát), dạo quanh xóm, thấy có khá nhiều tre và ý tưởng hình thành làng tre đã thôi thúc bà bắt tay viết dự án “Xóa đói giảm nghèo trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên”, với mục đích chính nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học của cây tre Việt, cùng nhiều loài cây bị đe dọa tiệt chủng khác ở Đông Nam bộ. Năm 2003, Hội đồng vùng Rhônes Alpes quyết định tài trợ cho dự án 596.000 euro (khoảng 13 tỷ đồng) trong vòng 6 năm (2003-2008). Kể từ đó, dự án chính thức được hình thành bởi sự hợp tác giữa 4 đơn vị là tỉnh Bình Dương, ĐH KHTN TP.HCM, vùng Rhône Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat - cộng hòa Pháp. Ngoài việc vùng Rhône Alpes ủng hộ tài trợ, tỉnh Bình Dương quyết định cấp 10 ha đất tại xã Phú An và đóng góp thêm khoản kinh phí 1,5 tỷ đồng để xây dựng nên LTPA. Đến nay, LTPA có hơn 2.000 bụi tre, trúc, mai, vầu... của 300 mẫu thuộc 17 loài được sưu tầm từ khắp cả nước. Những bộ sưu tập được phân chia theo từng khu vực: Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên, Bắc bộ. Trên mỗi bụi tre được đánh dấu về tọa độ tìm thấy, thời gian, tên người sưu tầm và công tác này vẫn được tiếp tục trong thời gian tới để xây dựng LTPA trở thành một “bảo tàng tre” lớn và đầy đủ nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Với ý tưởng bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên để giảm nghèo, cải thiện giá trị của cây tre trong cộng đồng, trung tâm này không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học cây tre Việt Nam mà còn nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về ứng dụng của cây tre để xử lý nước, đất, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo nguồn nguyên liệu chế biến các sản phẩm, tăng giá trị kinh tế của cây tre, giúp thoát nghèo. Cây tre sinh trưởng nhanh, rất hữu ích trong việc hấp thụ cacbon và góp phần lớn trong việc chống sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Từ một dự án sưu tầm và nghiên cứu tre, LTPA còn tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ địa phương thoát khỏi đói nghèo từ các sản phẩm của tre và làm du lịch. Quan trọng hơn là người dân địa phương đã hiểu được việc bảo vệ môi trường sinh thái là bảo vệ cuộc sống của chính họ.

Tiến sĩ Mỹ Hạnh cho biết, với giải thưởng này, nhiều người trên thế giới sẽ biết đến LTPA, từ đó hy vọng làng tre sẽ có được nguồn tài trợ mới để nghiên cứu, phát triển cây tre Việt Nam, cải thiện đời sống của nhóm nghiên cứu và phát triển cộng đồng. Ngoài ra, hy vọng Liên hiệp quốc (LHQ) sẽ chú ý đến dự án về tre này để có cách thức nào đó phù hợp tài trợ cho việc bảo tồn cây tre Việt Nam nói riêng và tre của cả thế giới nói chung. “... LTPA đã biến Tam giác sắt thành Tam giác xanh, tạo các việc làm thủ công nhằm giảm nghèo, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới; nghiên cứu và đào tạo phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường; cố gắng tham gia thực hiện mục tiêu xã hội hóa giáo dục môi trường, phục vụ phát triển bền vững...”, bà Hạnh cho hay.

Tiến sĩ Mỹ Hạnh đang giới thiệu với du khách châu Âu về làng tre sinh thái Phú An

ĐÀM THANH

Ảnh: CHÍ THANH

 

Bên lề Hội nghị Cấp cao LHQ, mô hình bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp xóa đói giảm nghèo ở LTPA đã được Cơ quan phát triển của LHQ (UNDP) trao giải thưởng Xích đạo. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự sự kiện này. Khu bảo tồn sinh thái tre và bảo tồn thực vật Phú An là công trình nghiên cứu của tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh - giảng viên trường ĐH KHTN TP.HCM, người đã trực tiếp nhận giải thưởng này tại New York (Mỹ) trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ 2010 (cuộc họp đặc biệt về đa dạng sinh học) vào ngày 22-9. Giải thưởng Xích đạo (Prix Equateur) là giải thưởng dành cho những sáng kiến trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên để đạt được mục tiêu giảm nghèo, phát triển cộng đồng, bình đẳng giới, đặc biệt là quan tâm phát triển phụ nữ, bảo vệ môi trường, phục vụ việc phát triển bền vững. LTPA cũng được coi là làng tre lớn nhất Đông Nam Á, quy tụ hầu hết giống tre trên khắp đất nước Việt Nam.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên