"Cánh buồm đỏ thắm" là lễ hội thường niên được tổ chức vào khoảng từ 18 đến 25/6, khi hiện tượng đêm trắng tại thành phố St. Petersburg rõ nhất. Đây là lễ tốt nghiệp của các học sinh Nga, như một món quà dành tặng các em, đặc biệt là những học sinh có thành tích xuất sắc. Lễ hội đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong quy mô nước Nga mà còn thu hút đông đảo du khách nước ngoài mỗi năm.
Năm 2020 do Covid-19, lễ hội phải tổ chức theo hình thức online và thay đổi vị trí biểu diễn. Năm 2021, Chính phủ Nga đã quyết định lại tổ chức theo cách truyền thống vào ngày 25/6, tuy nhiên các học sinh ưu tú sẽ không được diễu hành trên thuyền để tránh sự lây lan của virus. Năm nay cũng đánh dấu sự xuất hiện của một con thuyền với những cánh buồm đỏ lớn nhất trong lịch sử sự kiện, lên đến 900 m2.
Chiếc thuyền với những cánh buồm đỏ thắm đi dọc sông Neva. Ảnh: vpitergo
Lịch sử của lễ hội bắt đầu từ năm 1968, do chính những học sinh cuối cấp sáng kiến ra. Ý tưởng bắt nguồn từ tiểu thuyết lãng mạn cùng tên của nhà văn Aleksandr Stepanovich Grinevsky, kể về một cô gái luôn tin rằng một ngày sẽ có chàng hoàng tử lái con tàu có cánh buồm đỏ thắm đến đón cô. Tuy nhiên, chỉ đến cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, cánh buồm đỏ thắm mới xuất hiện, tạo nên hình ảnh lộng lẫy đánh dấu bước trưởng thành của học sinh trước khi các em bước vào quãng đời sinh viên. Lễ hội không bao giờ được tổ chức vào 22/6 do là ngày khởi đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức, để tỏ lòng thành kính với những chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Lễ hội kéo dài 2 tiếng rưỡi, chia làm 2 phần: buổi hoà nhạc tại Quảng trường Cung điện lúc 22h và màn trình diễn pháo hoa khi cánh buồm xuất hiện trên sông Neva, vào thời điểm tối nhất của đêm trắng, lúc 0h45. Điểm đặc biệt của lễ hội là chỉ những học sinh cuối cấp mới có vinh dự được nhận thiệp mời và chỉ có thể đi cùng với một người khác, thường là cha hoặc mẹ. Ngoài ra không thể mua vé vào sự kiện theo bất kỳ cách chính thức nào khác. Du khách và người dân muốn tận mắt chiêm ngưỡng cánh buồm phải tập trung ở các khu vực khác, thường là đứng trên cầu Cung điện hoặc dưới chân cầu Troitsky.
Đúng 0h45, những tia pháo hoa đầu tiên được bắn lên từ cầu Troitsky nhưng người dân đã xếp hàng, ngồi đợi ở 2 bên sông Neva từ 19h. Việc ngồi chờ liên tục 5 tiếng không phải đơn giản khi nhiệt độ đêm mùa hè tại Nga có thể xuống dưới 10 độ, kết hợp với gió sông khiến bạn rét buốt. Bởi ai cũng nóng lòng được tận mắt nhìn thấy cánh buồm nên các cuộc va chạm tranh chỗ ngồi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Càng đến sát giờ, lượng người kéo đến càng đông, bạn phải giữ một "tinh thần thép" để có thể đứng vững trước sự xô đẩy của một vài người bất lịch sự. Đối với những người sẽ tham dự sự kiện lần đầu tiên, bạn nên chuẩn bị giày và quần áo thoải mái, bởi giày cao gót có thể gây khó chịu và nguy hiểm khi phải chen lấn trong đám đông. Cần thống nhất trước với người thân những việc cần làm nếu ai đó trong đoàn bị lạc, bởi lượng người quá đông có thể gây ra bất cập trong giao tiếp.
Cánh buồm xuất hiện sẽ đền đáp mọi công sức chờ đợi. Cánh buồm đỏ thắm di chuyển dần dần từ đằng xa, khi bầu trời bắt đầu được nhuộm màu bởi pháo hoa bắn lên từ cầu Troitsky. Chỉ khi đi qua cầu, cánh buồm mới bắt đầu được bật đèn chiếu vào nơi những nhân vật chính - các em học sinh đang tập trung bên bờ sông để ngắm nhìn cánh thuyền và nói lên điều ước của mình. Chiếc thuyền với những cánh buồm đỏ thắm căng gió lướt dọc theo tuyến đường thủy chính của thành phố, chở trên mình những học sinh với thành tích học tập ưu tú nhất, dưới tiếng hò reo của những khán giả bao quanh khu vực lễ hội. Mang trên mình những cánh buồm đỏ thắm, con thuyền nổi bật trước một bầu trời rực rỡ pháo hoa, mang lại cảm giác hào hùng, sử thi, thậm chí nhiều người đi xem còn nhận xét rằng thật "nổi da gà".
Du khách không có cơ hội đến thăm St. Petersburg vào ngày 25/6 có thể xem chương trình trên kênh truyền hình Piaty Kanal (Kênh 5) hoặc xem trực tiếp trên trang Youtube của kênh này.
Theo VNE