Với chủ đề “Lái Thiêu mùa hẹn”, Lễ hội “Mùa trái chín” năm nay được tỉnh tổ chức tại khu vực Cầu Ngang (phường Hưng Định, TP.Thuận An) được xem là nơi gặp gỡ, giao lưu, kết nối trong nhiều hoạt động, lĩnh vực, cùng hướng đến sự phát triển chung. Hôm nay (15-6), Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 chính thức khai mạc với nhiều hoạt động sôi nổi, vui tươi và ý nghĩa.
Người dân đến khu vực Cầu Ngang mua trái cây Lái Thiêu trong những ngày này
Bảo đảm an toàn cho du khách
Nhằm phối hợp tham gia tốt các hoạt động của Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của địa phương và thành công của lễ hội, UBND phường Hưng Định đã xây dựng kế hoạch tham gia lễ hội. Theo đó, UBND phường Hưng Định đã triển khai thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền cổ động đến nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung tổ chức lễ hội; đồng thời vận động nhân dân tham gia quảng bá du lịch vườn, hưởng ứng các hoạt động của lễ hội, thể hiện tinh thần mến khách, giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự.
Phường cũng vận động nhân dân, chủ nhà vườn có điều kiện tham gia tổ chức các điểm kinh doanh làm cơ sở để kết nối tour du lịch; bảo đảm bán trái cây đúng cân, đúng giá niêm yết, không cò mồi, chèo kéo làm phiền hà du khách. Bên cạnh đó, UBND phường cũng đã phối hợp các cơ quan chức năng bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội cho du khách đến tham quan, bảo đảm vệ sinh môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp ở các khu tham quan, vui chơi.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết các nhà vườn trên địa bàn xã rất hào hứng tham gia 5 gian hàng trái cây đặc sản địa phương tại khu vực chính và các hoạt động hội thi của lễ hội. Các thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã An Sơn đang tăng cường tập luyện để tham gia biểu diễn giao lưu đờn ca tài tử với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là dịp để hội viên câu lạc bộ giao lưu, học hỏi nhiều điều hay từ các nghệ nhân, tài tử khắp nơi, nhất là gắn kết thêm tình đoàn kết, tạo mối tâm giao với các tỉnh, thành bạn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.
Chung sức tạo nên lễ hội ý nghĩa
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết công tác chuẩn bị lễ hội bảo đảm theo tiến độ chung. Tại lễ hội năm nay, không gian ẩm thực và trái cây có khoảng 100 gian hàng trái cây, ẩm thực, sản phẩm OCOP đến từ TP.Thuận An, các huyện, thành phố trong tỉnh và các tỉnh, thành, như: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang… Ngoài ra còn có một số gian hàng quảng bá thương hiệu.
UBND TP.Thuận An cũng đã thành lập các tổ phục vụ tham gia tổ chức lễ hội, như: Tổ tuyên truyền, tổ an ninh trật tự, tổ y tế, tổ hậu cần, tổ quản lý giá cả - an toàn thực phẩm, tổ tình nguyện và đã phân công rõ ràng nhiệm vụ cho từng thành viên. Bên cạnh đó, địa phương còn đưa vào hoạt động hệ thống đường dây nóng (được kích hoạt vào sáng 15-6) với sự tham gia của các ngành liên quan (Ban Tổ chức, công an, quản lý thị trường, y tế…) để hỗ trợ cho du khách trong quá trình tham quan tại lễ hội xung quanh những vấn đề quan tâm, như an ninh trật tự, giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế…
Về an ninh trật tự, Công an thành phố cũng đã phối hợp cùng Công an tỉnh xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông để bảo đảm an toàn, thông suốt trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Cùng với đó, UBND TP.Thuận An đã chỉ đạo UBND các xã, phường và các ngành, đoàn thể trong toàn thành phố tổ chức họp dân tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa lễ hội, góp phần vận động người dân cùng chung sức hỗ trợ để lễ hội diễn ra thành công.
Trong khuôn khổ của lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động chính, như: Lễ khai mạc; Hội thi “Duyên dáng Bình Dương”; Hội chợ Trái cây và Liên hoan Ẩm thực - Du lịch chủ đề: “Ngọt ngào Phương Nam”; Giải việt dã chủ đề “Cung đường Mùa trái chín”; Hội thi ảnh đẹp mùa trái chín chủ đề “Sắc màu quê hương”; Triển lãm Ảnh đẹp du lịch Bình Dương; Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ và chương trình ca nhạc đường phố hàng đêm và lễ bế mạc. |
HỒNG THUẬN - MINH HIẾU