Liên kết, bổ khuyết, cùng phát triển

Cập nhật: 14-04-2023 | 08:51:19

Chỉ trong một thời gian ngắn lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ đã “ngồi lại” với nhau nhiều lần, cùng trao đổi, bàn bạc, đóng góp nhiều ý kiến giá trị để tìm giải pháp liên kết, giải quyết khó khăn, cùng phát triển. Tinh thần đó cũng chính là thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đã triển khai.

Mới nhất, vào chiều 12-4 là cuộc làm việc của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại cuộc làm việc này, lãnh đạo các tỉnh đã nêu các vấn đề khó khăn, vướng mắc trên nhiều lĩnh vực, từ thủ tục đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư phát triển, quỹ đất công nghiệp… Tất cả nằm ngoài khả năng, thẩm quyền của địa phương, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các bộ, ngành, của Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền liên quan.

Trước đó, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tham dự hội nghị tại Bình Phước để bàn về vấn đề đầu tư, liên kết, cùng đóng góp giải pháp để tháo những “điểm nghẽn” nhằm đẩy nhanh hơn tiến trình phát triển của cả vùng một cách bền vững. Liên kết phát triển không chỉ là vấn đề kết nối hạ tầng giao thông mà bao hàm trên nhiều lĩnh vực, cả đầu tư, thương mại - dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và các lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, phát triển, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Thực tế từ nhiều năm qua, bằng nỗ lực của các địa phương trong vùng, sự liên kết đã và đang diễn ra. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, cần có sự thống nhất mạnh mẽ hơn, tầm nhìn xa hơn để phát huy tiềm năng lợi thế, thúc đẩy các địa phương phát triển mạnh, bền vững hơn, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Tư duy phát triển không còn bó hẹp trong phạm vi địa phương, tư duy đó sẽ mở đường cho kết nối giao thông, kết nối đầu tư, công nông nghiệp, thương mại - dịch vụ… ngày càng chặt chẽ, khắng khít, bổ khuyết, tương hỗ lẫn nhau những thế mạnh, điểm yếu cùng hướng về một mục tiêu phát triển bền vững chung của cả vùng và rộng hơn là cả đất nước

 TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=320
Quay lên trên