Lo ngại với chỉ số giá tiêu dùng!

Cập nhật: 28-04-2011 | 00:00:00

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của cả nước tăng đột biến với 3,32%, đưa CPI từ đầu năm đến nay lên mức tăng 9,64%. Điều đáng lo ngại nhất là theo quy luật hàng năm thì tháng 4 thường là tháng có mức tăng CPI thấp nhất, nhưng năm nay lại có mức tăng cao nhất kể từ năm 1991 trở lại đây. Không chỉ đi ngược quy luật mà CPI tháng 4 năm nay còn tăng ở cả 11/11 nhóm mặt hàng trong rổ hàng hóa, trong đó có 3 nhóm hàng hóa tăng trên 4%. Nhóm giao thông đạt mức tăng “kỷ lục” với 6,04%. Tiếp đến là các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 4,5%, trong đó lương thực tăng 2,47%, thực phẩm tăng 5,61% và ăn uống ngoài gia đình tăng 3,31%... Rõ ràng đây là những con số không mong muốn với cả Chính phủ và người dân.

Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân đưa CPI tháng 4 tăng đột biến là do tác động tương hỗ phức tạp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Những bất ổn về chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông, rồi động đất, sóng thần ở Nhật Bản... làm cho giá cả một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên vật liệu đầu vào, sắt thép, chất đốt, thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng cao, từ đó tác động đến việc tăng giá hàng hóa trong nước. Đặc biệt, tác động rất mạnh của hai đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp, cũng như tác động của việc tăng giá điện đã kéo giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường tăng mạnh.

Bên cạnh “lực đẩy” đến từ giá nguyên nhiên liệu đầu vào, một nguyên nhân làm CPI tháng 4 tăng cao là do chi phí vốn tăng cao và kéo dài. Lãi suất cho vay tiền VND đã tăng khoảng 1 - 1,5%/năm trong quý 1 năm nay và hiện ở mức bình quân là 16,23%/năm. Thêm vào đó, cho dù đã hạ nhiệt nhưng tỷ giá USD/VND vẫn còn ở mức khá “nóng”, khiến nhiều loại hàng hóa thiết yếu cũng như nguyên nhiên liệu đầu vào mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tiếp tục chịu sức ép tăng giá. Trong khi đó, dự báo áp lực tăng giá tiêu dùng sẽ còn kéo dài đến hết tháng 6 tới, bởi tác động trễ của chính sách đưa giá ba loại nguyên nhiên liệu đầu vào thiết yếu gồm điện, than và xăng dầu tiếp cận giá thị trường. Cùng với đó, Nghị định của Chính phủ về tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/tháng, chính thức được áp dụng từ ngày 1-5 tới, cũng làm nhiều người lo ngại, bởi như đã thành quy luật: Lương chưa tăng, giá cả đã tăng!

Do giá cả tăng ở hầu hết các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, chất đốt, nhiên liệu nên đang tác động mạnh đến đời sống dân cư, nhất là những người làm công ăn lương, người về hưu, các đối tượng xã hội như sinh viên, người nghèo và cận nghèo. Những tác động đó đang trực tiếp làm suy giảm ngân sách cá nhân và gián tiếp làm suy giảm mức sống của họ. Vì vậy, trong những tháng còn lại, Chính phủ cần tiếp tục có các giải pháp thiết thực, kịp thời để bảo đảm mức sống, phúc lợi cho các đối tượng này, bởi theo tính toán, một người thu nhập danh nghĩa không đổi trong 3 năm qua thì thu nhập thực của họ đến nay đã giảm 50%.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên