Loay hoay chuyện giá, lương

Cập nhật: 19-04-2011 | 00:00:00

Thông tin tăng lương cơ bản lên 830.000 đồng/tháng xuất hiện đúng thời điểm cơn bão giá đang biến động dữ dội. Mặc dù mỗi tháng thêm 100.000 đồng tiền lương nhưng những người thụ hưởng không những không vui mà nỗi lo còn nhân đôi. Bởi trước khi tăng lương, mọi thứ xăng, ga, thực phẩm... đều đã tăng. Lý do tăng lúc đó cứ vịn cớ xăng dầu, điện tăng giá để ăn theo. Nay có thông tin tăng lương chính thức thì giá cả lại hiển nhiên tăng mà không còn biện hộ cho lý do nào nữa. Có người bảo, lương thì tăng theo cấp số cộng, giá cả tiêu dùng thì tăng theo cấp số nhân...

Từ năm 1993 đến nay, trải qua rất nhiều lần tăng lương nhưng chưa lúc nào lương bảo đảm cuộc sống cả. Với mức lương bình quân từ 2 triệu đến 3 triệu đồng trong một tháng, những người hưởng lương đều phải tính toán chi li mới có thể gánh hết các khoản chi phí gồm ăn uống, điện nước, chất đốt, xăng xe, điện thoại, quần áo, giày dép, xà bông, bột giặt... cộng với các khoản phí vệ sinh, an ninh trật tự, bảo hiểm, y tế... còn đâu đến chuyện dự phòng khi ốm đau, bệnh tật. Đó là chưa tính các khoản chi tiêu phát sinh từ các mối quan hệ thăm hỏi, ma chay, cưới xin; còn đâu nói chuyện du lịch, giải trí, một trong những nhu cầu của đời sống hiện đại. Có lẽ mức lương tối thiểu chỉ mới đáp ứng trên dưới 60% nhu cầu thực tế.

Tiền lương ít, không đủ chi tiêu là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả làm việc thấp của công chức. Do không đủ sống, công chức lấy đâu ra tiền để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. “Cơm, áo, gạo, tiền...” lúc nào cũng đè nặng lên tâm lý khiến họ khó có thể toàn tâm, toàn ý cho việc công. Do đó, ở một số đơn vị, địa phương chuyện công chức phải đi làm thêm ngoài giờ để bù đắp cho kinh tế gia đình vượt qua lúc khó khăn. Thế nhưng, do tiền lương thấp lại thiếu tu dưỡng có một bộ phận công chức tha hóa về mặt đạo đức, thậm chí nhận hối lộ, làm thất thoát tài sản Nhà nước, đánh mất lòng tin của dân.

Đồng lương công chức thực sự là công cụ hữu hiệu để khuyến khích cán bộ công chức cống hiến khi được trả đúng, trả đủ và phù hợp với mặt bằng giá cả. Trong Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012, Chính phủ cũng yêu cầu phải nhanh chóng tiến hành sắp xếp lại bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, để lộ trình cải cách chế độ tiền lương đúng theo định kỳ và có hiệu quả, góp phần ổn định cuộc sống của những người ăn lương. Có như vậy, chúng ta sẽ tránh tình trạng quá nhiều người cùng chia nhau “miếng bánh” ngân sách ít ỏi dẫn đến tiền lương và hiệu quả công việc đều thấp. Thêm nữa, tăng lương phải song song với thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả thị trường nhằm tránh trường hợp lương tăng một mà giá đã tăng đến mười.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=268
Quay lên trên