Những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà đều rất ngỡ ngàng trước thông tin các trường đại học tư không có quyền đào tạo ngành sư phạm, luật và báo chí. Nhưng chỉ tuần lễ sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) lại đính chính đó chỉ vì lỗi... kỹ thuật, còn phía Bộ GD-ĐT không có chủ trương như vậy. Vâng, lỗi là do kỹ thuật, chứ đây không phải là chủ trương của bộ vì khi đưa thông tin lên trang web của bộ, người đưa đã không để ý nên đưa nhầm bản soạn thảo chứ không phải bản chính thức nên mới xảy ra cớ sự!
Tháng 9 năm ngoái, khi website báo điện tử Đảng CSVN đưa tin hải quân Trung Quốc tập trận ở biển Đông, người đứng đầu website này cũng biện minh rằng do lỗi đánh máy vì bỏ thiếu hai chữ “ngang ngược”. Sau đó vài tuần (khoảng tháng 10), lại đến vụ Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế vinh danh Công ty Vedan với “Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009”, mà công ty này vốn nổi danh với thành tích... “đầu độc” sông Thị Vải! Lỗi này thuộc về người đánh máy của thư ký và nghe đâu người thư ký này đã bị buộc thôi việc. Lần này, không biết Bộ GD-ĐT có buộc thôi việc ai hay không?
Công bằng mà nói, lỗi kỹ thuật có thể xảy ra bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là tần số sai sót kỹ thuật trong một thời gian ngắn xem ra hơi “bị” nhiều, mà đó chỉ là những trường hợp báo chí nêu, còn biết bao trường hợp sai sót kỹ thuật mà người dân không hề biết. Lỗi kỹ thuật, tuy nói là kỹ thuật, nhưng nó có tầm ảnh hưởng không nhỏ. Chẳng hạn như vụ Vedan đã gây ấn tượng với dân rằng, đồng tiền có thể mua tất cả, kể cả sự vinh danh. Còn lỗi kỹ thuật của Bộ GD-ĐT làm cho người dân phải thắc mắc rằng, chuyện nhỏ như con thỏ vậy mà còn sai thì những chuyện lớn như con voi làm sao không sai? Đây không phải là chuyện bình thường hay chuyện khôi hài trên bàn cà phê. Thử tưởng tượng khi chúng ta đọc một báo cáo khoa học và thấy một lỗi lầm, câu hỏi lập tức đặt ra là còn lỗi lầm nào khác không và chúng ta liệu có còn tin tưởng vào tác giả hay không? Do đó, tuy là lỗi kỹ thuật, nhưng ảnh hưởng thì không “kỹ thuật”, mà là danh dự và sự sứt mẻ niềm tin vào các cơ quan công quyền.
Người ta đỗ cho lỗi kỹ thuật, nhưng liệu có mấy ai quan tâm lỗi lầm đó chỉ liên quan đến “gõ máy tính” hay còn liên quan đến trình độ, kỹ năng chuyên môn? Bởi những lỗi kỹ thuật trong thời gian qua thường xảy ra ở những nơi có quyền lực cao nhất. Điều này ít nhiều sẽ làm cho người dân phải đặt câu hỏi về trình độ và kỹ năng chuyên môn của các quan chức ở các cơ quan quyền lực nói trên?!
LÊ QUANG