Lỗi trẻ con, trách nhiệm người lớn

Cập nhật: 16-03-2010 | 00:00:00

Vụ một nữ sinh ở Hà Nội bị đánh hội đồng rồi phát tán video clip lên internet cho thấy thực tế đau lòng: Thứ nhất, không chỉ nam sinh mà ngay cả nữ sinh bây giờ cũng “nhuốm màu” bạo lực không thua kém; thứ hai, sự vô cảm đến bất ngờ của những người chứng kiến vụ việc, đặc biệt là nhiều học sinh (HS) ngồi ngay tại hiện trường.

Chung quy của hai vấn đề trên là gì? Chỉ cần trả lời: Nếu các em được giáo dục đàng hoàng, tử tế, có tư cách đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, xã hội thì có xảy ra cảnh đánh đập hội đồng và sự thờ ơ, a dua ngồi xem người khác bị hành hạ như thế không?

Đã từ rất lâu, câu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã trở thành quan điểm xuyên suốt trong ngành giáo dục và nó được sơn phết trang trọng tại hầu hết các trường học. Thế nhưng, thực tế là đa số các trường đều tập trung “chạy” cho kịp chương trình giảng dạy theo sách giáo khoa, thế nên phần dạy lễ nghĩa làm trò, làm người cho các em đã bị xem nhẹ. Bên cạnh đó, các nguồn lực cần thiết để giáo dục đạo đức cho HS cũng chưa được quan tâm và trang bị đầy đủ. Lâu nay trong chương trình học của các em đã có môn giáo dục công dân, nhưng liệu rằng bấy nhiêu đó có đủ để các em hoàn thiện nhân cách, tư cách đạo đức, thiết lập màn chắn chống lại biết bao đe dọa của cái xấu đang xuất hiện nhan nhản trên internet, phim ảnh, điện thoại di động...? Đó là chưa kể, những bài học đạo đức có được truyền thụ đến các em một cách sâu sắc, hay chỉ là những tiết học phụ trong chương trình, để rồi hiệu quả giáo dục chỉ dừng lại ở mức kiến thức sách vở và giúp các em “lấy điểm”?

Thời gian qua, đã có một số trường học có những cách làm mới trong phương pháp giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho HS như hoạt động cộng đồng, sinh hoạt ngoại khóa, tư vấn tâm lý... Bấy nhiêu đó là chưa đủ, nhưng đã đến lúc cần phải nghiêm túc nhìn nhận đạo đức của một bộ phận HS đang “có vấn đề”. Mà, để cho “vấn đề” đó không trở thành “lỗi hệ thống”, thì phải có sự nghiên cứu cải tiến, sáng tạo việc giáo dục đạo đức cho HS, sao cho những bài học ấy thực sự ngấm ngầm vào tâm hồn các em một cách nhẹ nhàng từ chính giá trị cuộc sống mà các em đang trải nghiệm.

Cái xấu vốn dĩ thường dễ được tiếp thu, bắt chước hơn cái tốt. Đối với các em tuổi mới lớn, đây lại là vấn đề rất đáng quan tâm. Vụ một nữ sinh ở Hà Nội bị đánh hội đồng không phải là mới nữa, bởi có ít nhất 4 trường hợp tương tự đã xảy ra trong thời gian gần đây. Đồng ý là cần phải xử lý nghiêm minh các em có lỗi để làm gương, nhưng nếu thiếu sự gần gũi chia sẻ, phân tích, định hướng cái tốt, ngăn chặn cái xấu, để cho những lầm lỗi đầu đời làm cho các em trở thành những kẻ bị xã hội ruồng bỏ, kỳ thị mà không có cơ hội “quay lại bờ” thì chính người lớn sẽ thêm một lần nữa thiếu trách nhiệm với các em!

L.M.TÙNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên