Lương tâm và đạo đức

Cập nhật: 13-05-2013 | 00:00:00

Thêm một thông tin làm đau lòng người từ hai vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc. Ngày 11-5, tại hai tỉnh Long An và Bình Thuận cùng thời điểm đã xảy ra hai vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 13 người chết và 15 người bị thương. Cả hai vụ trên đều có nguyên nhân chủ quan của con người. Phóng nhanh, lấn tuyến và không làm chủ tốc độ. Riêng vụ ở Bình Thuận, theo Công an huyện Hàm Tân cho biết thời điểm xảy ra tai nạn cả hai xe đều chạy với tốc độ rất cao và tông trực diện vào nhau

 Mới đây công an TP.Cam Ranh, Khánh Hòa đã có kết luận vụ hai xe khách đâm nhau lúc 0 giờ 40 phút ngày 8-3 vừa qua tại P.Cam Nghĩa (TP.Cam Ranh) làm 12 người chết và hàng chục người bị thương nặng. Theo đó, cả hai xe ôtô khách đều chạy quá tốc độ. Cụ thể, đoạn đường trước điểm xảy ra tai nạn trên QL1A có biển báo đường cong nguy hiểm, nhưng xe 76M-1154 vẫn chạy 90km/giờ, vượt quá tốc độ quy định 20km/giờ và lấn sang phần đường bên trái, tông trực diện vào xe ôtô khách chạy theo chiều ngược lại với tốc độ là 89,9km/giờ (vượt quá tốc độ quy định là 19,9km/h), nhưng chạy đúng làn đường.

Qua đó cho thấy, muốn kéo giảm TNGT cần những giải pháp tích cực nhằm nâng cao trách nhiệm, đạo đức người lái xe. Thời gian qua, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế TNGT có thể xảy ra như tăng cường công tác tuyên truyền, đường sá được đầu tư nâng cấp mở rộng, gắn thiết bị giám sát hành trình… Thiết nghĩ, về công tác tuyên truyền cần mở rộng đợt vận động sâu rộng trong giới tài xế nhất là xe khách, xe tải lương tâm và đạo đức của người lái xe. Tuyệt đại đa số những vụ TNGT là do chủ quan của người lái xe. Vì thế, việc tuyên truyền tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ như: tốc độ giới hạn, giữ khoảng cách an toàn, đi đúng phần đường, không phóng nhanh vượt ẩu… cần được thực hiện thường xuyên.

Mặt khác, trong đào tạo sát hạch cần nâng thời gian huấn luyện, đào tạo nhất là trong việc cấp bằng lái xe tải, xe khách. Có một thực tế, trong khi nhiều ngành khác, học viên, sinh viên phải được đào tạo, rèn luyện từ 2 đến 4 năm thậm chí lâu hơn mới tốt nghiệp để có thể hành nghề. Trong khi đó, thời gian đào tạo một tài xế lại ngắn hơn rất nhiều. Mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, cần thanh tra việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe và kinh doanh vận tải. Trong đó, chú trọng nâng cao đạo đức người lái xe. Ngoài ra, việc tăng cường đạo đức người lái xe khách, xe tải không chỉ từ cơ quan chủ quản, các tổ chức nghiệp đoàn trong các chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức lái xe mà còn cả từ gia đình và sự tự rèn luyện của bản thân. Thực tế, không ít tài xế xe tải, xe khách là tư nhân nên công tác quản lý, điều hành và tham gia vào các nghiệp đoàn có khó khăn.

Cuối cùng, xã hội cũng cần có cái nhìn khác về người lái xe, vì trách nhiệm và đạo đức người tài xế được nâng lên thì vị thế người lái xe cũng được nâng lên trong xã hội. Từ đó khuyến khích lái xe chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ nói chung, đồng thời xây dựng đạo đức, văn hóa của người lái xe. Lái xe an toàn không chỉ là trách nhiệm bảo vệ bản thân, người cùng tham gia giao thông và vì lợi ích của cả cộng đồng.

 DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=395
Quay lên trên