Đùm bọc, sẻ chia là đạo lý của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Cũng từ đạo lý này của dân tộc mà khi khó khăn hay vui vẻ mọi người đều trao gởi nhau những món quà, lời chúc để động viên nhau cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong những ngày này, khi tết đang đến rất gần, vấn đề sẻ chia lại rộ lên và được thể hiện rõ qua từng gói quà được trao gởi. Tất cả các đối tượng từ gia đình chính sách, người nghèo, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo hay công nhân lao động khó khăn đều được trao quà để ai cũng được vui xuân đón tết tươm tất, đầm ấm.
Sẻ chia đã trở thành nét đẹp của dân tộc Việt Nam. Còn nhớ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vấn đề sẻ chia đã được thể hiện rất rõ. Cảm động làm sao hình ảnh các bà, các mẹ ở những vùng quê xa xôi tấm áo chưa lành nhưng sẵn sàng sẻ chia cùng bà con vùng dịch bằng những trái bầu, trái bí tự tay mình thu hái. Cảm động làm sao hình ảnh những chuyến xe mang theo tình cảm của bà con cả nước đổ về Bình Dương, giúp nhân dân Bình Dương vượt qua những ngày “khóa chặt, đông cứng”. Nhờ tình cảm sẻ chia của đồng bào cả nước mà Bình Dương đã vững vàng vượt qua dịch bệnh, vươn lên ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho công nhân lao động và đóng góp xứng đáng vào mức tăng trưởng chung của cả nước.
Đối với dân tộc Việt Nam, sự gắn bó cộng đồng như mạch nguồn của sức mạnh dân tộc. Người ta không thể vui khi cộng đồng còn có người chưa vui, người ta sẽ buồn khi cộng đồng còn có người buồn. Do đó, sẻ chia không chỉ được thực hiện khi khó khăn, hoạn nạn mà còn trở thành hoạt động thường niên mỗi độ tết đến xuân về. Chính vì sẻ chia đã trở thành cội nguồn của gắn kết cộng đồng, nhân lên thành sức mạnh dân tộc nên những ngày cận kề cái tết, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hoạt động sẻ chia thông qua các món quà được trao gởi. Đất liền sẻ chia với biển đảo, chính quyền sẻ chia cùng nhân dân, doanh nghiệp sẻ chia với người lao động, các đoàn thể chính trị xã hội sẻ chia cùng các đối tượng kém may mắn…
Sẻ chia mỗi độ tết đến xuân về không chỉ dừng lại ở những suất quà hay phong bao lì xì mà còn đi vào những vấn đề cụ thể, phù hợp với từng đối tượng cần được sẻ chia. Đối với những bệnh nhân nghèo, sẻ chia là chiếc thẻ bảo hiểm y tế. Đối với công nhân lao động nhiều năm xa quê, không có điều kiện về quê đón tết, sẻ chia được tính đến bằng những tấm vé tàu, vé xe. Đối với những người không có điều kiện để xây dựng nhà ở, sẻ chia là ngay từ rất sớm chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội đã vào cuộc khảo sát, lên kế hoạch xây dựng để ngôi nhà mới được trao đúng vào đúng dịp tết, giúp người nghèo nhân đôi niềm vui…
Những hoạt động sẻ chia nói trên không chỉ đem lại niềm vui cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có cái tết đầm ấm, mà còn tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Những hoạt động đó đã và đang góp phần kéo mọi người xích lại gần nhau hơn, từ đó đoàn kết để nhân lên sức mạnh dân tộc.
LÊ QUANG