Miếu Mộc Tổ: Lưu giữ nét đẹp truyền thống nghề mộc

Cập nhật: 06-11-2020 | 21:50:32

Nghề mộc là một trong những nghề có truyền thống phát triển lâu đời trên đất Bình Dương. Miếu Mộc tổ trên địa bàn TP.Thuận An không chỉ là nơi những người làm nghề mộc dựng nên để tôn vinh, thờ cúng ông tổ nghề mình mà còn lưu giữ những nét truyền thống ngành nghề và đã được công nhận là di tích cấp tỉnh...

Theo chân những người làm công tác văn hóa TP.Thuận An, chúng tôi ghé thăm di tích miếu Mộc tổ. Từ chợ Lái Thiêu, chạy theo đường Phan Đình Phùng về hướng TP.Hồ Chí Minh qua cầu một đoạn nhìn phía bên tay trái sẽ thấy cổng di tích miếu Mộc tổ. Di tích khá nhỏ, nằm khiêm tốn bên những công trình cao tầng đang xây dựng, đoạn khu phố Long Thới, phường Lái Thiêu nhưng vẫn dễ nhận ra với những nét đặc trưng.

Cổng di tích miếu Mộc tổ

 Gian thờ chính bên trong di tích

Ông Nguyễn Văn Đảm, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thuận An, cho biết miếu Mộc tổ được xây dựng vào năm 1944. Miếu do những người làm nghề mộc ở địa phương cùng đóng góp, chung sức xây dựng nên để thờ ông tổ nghề mộc là Lỗ Ban Tiên Sư. Ngoài là nơi thờ cúng ông tổ nghề mộc, miếu còn là nơi thể hiện tình đoàn kết, gắn bó của những người làm nghề mộc trong quá trình làm ăn, sinh sống. Miếu được xây dựng theo kiểu nhà dân gian, gồm 3 gian, 2 chái, xuyên trính được làm bằng gỗ, cột, tường xây bằng gạch, xi măng, mái lợp ngói vảy cá, nền lát gạch tàu. Miếu có diện tích nhỏ gọn (gần 85m2), nên cách bài trí, thờ phụng bên trong cũng khá đơn giản. Gian chính thờ Lỗ Ban Tiên Sư, 2 gian 2 bên thờ Tả Ban và Hữu Ban. Bàn thờ chính được làm bằng gỗ với những hoa văn chạm khắc tinh xảo, thể hiện rõ nét sự phát triển rất cao và tay nghề của những người làm nghề mộc trên đất Lái Thiêu xưa. Trên bàn thờ chính khắc rõ 2 chữ “Lỗ Ban”, 2 bên cột trang trí thêm đôi liễn trên đề câu đối viết bằng chữ Hán Nôm, dịch nghĩa: “Thứ nhất, ngày xưa ông Tổ khai mở nghề nghiệp. Thứ hai, ngày nay thờ cúng giữ gìn thanh cao”.

Miếu Mộc tổ là nơi thờ ông tổ nghề nên những hoành phi, câu đối trang trí trong miếu không nhiều. Những nội dung của hoành phi, câu đối ở đây chủ yếu nêu lên công lao của người khai sinh ra nghề thủ công truyền thống lâu đời này, vừa bày tỏ sự tôn kính, tri ân ông tổ nghề và các vị thần linh. Dù không nhiều, nhưng tất cả hoành phi, câu đối ở đây đều được sơn son thếp vàng hoặc cẩn xà cừ rất đẹp.

Tại miếu, hàng năm diễn ra lễ cúng Mộc tổ vào ngày 20-12 âm lịch. Vào ngày này, những người làm nghề mộc cùng nhau dâng lễ cúng cảm tạ tổ nghề và mong muốn tổ sư phù hộ những người làm nghề mộc có nhiều sức khỏe, làm ăn thuận lợi và ngày càng phát triển. Ngoài những người trong nghề, ngày nay lễ cúng tổ ở miếu Mộc tổ còn có sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân trong vùng. Vào ngày này, Ban Tổ chức còn mời thêm câu lạc bộ tuồng cổ về biểu diễn phục vụ những trích đoạn cải lương, ai muốn đến xem đều được. Ông Đảm cho biết thêm, miếu Mộc tổ là nơi in dấu về một nghề truyền thống trên đất Thuận An xưa vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Nơi đây còn lưu giữ, duy trì hàng năm lễ cúng tổ nghề - một phong tục cổ truyền của những người làm nghề cùng với những hoạt động văn hóa, văn nghệ khác đã góp phần làm phong phú thêm đời sống sinh hoạt tinh thần của người dân địa phương.

Trong quá trình tồn tại, ngôi miếu đã để lại dấu ấn quan trọng trên con đường phát triển của nghề mộc. Cùng với gốm sứ và sơn mài, mộc là một trong 3 nghề truyền thống tiêu biểu của Bình Dương và đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển đi lên của tỉnh nhà. Miếu Mộc tổ đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích vào ngày 2-6-2004. Miếu Mộc tổ được công nhận là di tích cấp tỉnh không chỉ lưu giữ những nét đẹp truyền thống của nghề mộc mà còn góp phần củng cố tinh thần đoàn kết giữa những người trong nghề với nhau trong quá trình làm ăn, phát triển và gắn kết cộng đồng qua hoạt động diễn ra tại miếu hàng năm.

Theo lịch sử địa phương, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, miếu Mộc tổ là một trong những nơi hoạt động cách mạng của quân và dân địa phương. Thế nên, khi mới xây dựng xong, miếu đã bị quân địch kéo đến lùng sục. Thực dân Pháp và bọn tay sai thẳng tay đàn áp bất cứ ai mà chúng cho là tham gia hoạt động cách mạng tại đây. Để tránh sự đàn áp của chúng, miếu đã phải đóng cửa trong một thời gian dài.

CẨM LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên