Sau Tết Nguyên đán 2014, trên cả nước có hàng loạt lễ hội lớn nhỏ bắt đầu khai diễn. Có nhiều lễ hội lớn thu hút cả triệu du khách, ít thì cũng hàng trăm, hàng chục ngàn người tham dự. Và bao năm qua, vấn nạn chen lấn, giẫm đạp, giành giật “tài, lộc” ở các lễ hội vẫn chưa đến hồi kết. Qua các phương tiện truyền thông đã cho thấy có vô vàn những hình ảnh phản cảm xảy ra ở rất nhiều lễ hội. Lễ hội là văn hóa, nhưng quả thật khi theo dõi, rất nhiều người đã phải thốt lên rằng, văn hóa lễ hội đã “biến” đi đâu mất rồi?
Trong hàng trăm lễ hội đầu xuân, có một lễ hội rất độc đáo, diễn ra ở một làng quê vùng biển Hải Phòng mà có lẽ cũng ít người chú ý, lễ hội Minh Thề. Nét độc đáo của lễ hội Minh Thề nằm ở chỗ, du khách đến với lễ hội không phải để cầu tài, cầu lộc, cầu “thăng quan, tiến chức” như thường thấy. Ở lễ hội này, người tham dự sẽ được chứng kiến các “quan làng” hô vang lời thề “không tham nhũng, không tư túi của công, sống ngay thẳng, trung thực, không dùng quyền uy sách nhiễu dân làng”. Chưa hết, ở lễ hội này còn vang lên lời hịch rằng ai vi phạm cầu “thần linh đả tử, tru diệt”!
Thông thường, ở những lễ hội có các thứ “để xin, để cầu” nhằm mang lại cái lợi cho người tham dự thì thường rất đông du khách. Bởi vậy mới xảy ra cảnh tranh giành, xô đẩy, hỗn loạn. Với lễ hội Minh Thề, qua tường thuật của báo chí, người tham dự đa phần là dân làng, một số ít du khách. Những người hô vang lời thề cũng chỉ là “quan” làng, hoàn toàn không có sự hiện diện của “quan to, chức lớn” như một số lễ hội khác.
Rất tiếc, Minh Thề chỉ là một lễ hội cấp làng nên tiếng vang chưa được rộng.
Chưa cần đến lời thề không tham nhũng, bởi trong xã hội cơ hội để tham nhũng không dành cho số đông. Và những ai lỡ vướng vào việc này chắc chắn không muốn có những lễ hội như Minh Thề tồn tại. Nếu lễ hội này vang xa, người tham dự chỉ cần hô vang lời thề ngay thẳng, trung thực và quyết tâm sống theo lời thề đó thì xã hội đã tốt lắm rồi. Bởi, sự ngay thẳng, trung thực đối với bất kỳ ai, làm ngành nghề gì cũng đều rất cần thiết.
Hơn 500 năm trước, từ thời nhà Mạc lễ hội này đã ra đời. Sử sách để lại cho biết, lễ hội ra đời để răn đe chức sắc địa phương không được “đụng” đến mấy chục mẫu đất công của dân làng đóng góp. Hôm nay, trong một xã hội phát triển nhưng chứa đựng hàng loạt vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống càng phải có nhiều hơn những lễ hội Minh Thề để giáo dục, răn đe!
TRIỆU PHONG