Mở lối đi cho kinh doanh vàng

Cập nhật: 09-04-2012 | 00:00:00

Vàng là một mặt hàng kinh doanh có giá trị cao nhất. Thống kê sơ bộ cả nước có hàng ngàn DN hoạt động kinh doanh vàng. Chỉ tính ở Hà Nội, TP.HCM đã có gần 4.000 DN. Mặc dù từ trước đến nay, pháp luật quản lý ngoại hối của nước ta luôn nghiêm cấm việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do, nhưng bên cạnh những DN làm ăn nghiêm túc, một số DN kinh doanh vàng cũng đã tổ chức các sàn giao dịch vàng mini, tổ chức các hoạt động huy động và cho vay nặng lãi, bất chấp pháp luật để kinh doanh vàng; thậm chí liên kết với nhau làm giá, đầu cơ trên thị trường, mua bán ngoại tệ trái phép, tung tin thất thiệt ảnh hưởng tâm lý của người dân về giá vàng và ngoại tệ để kiếm lời. Đã vậy, hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới diễn ra rất phổ biến và với quy mô ngày càng lớn, trung bình một năm từ 20 - 40 tấn vàng nhập lậu. Đó là chưa kể đến việc lợi dụng khi chưa có các quy định cụ thể giữa vàng nguyên liệu và vàng trang sức, tình trạng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình dưới dạng vàng trang sức cũng khá phổ biến...

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã đánh giá, chức năng quản lý Nhà nước về vàng của nước ta còn bị phân tán, làm cho tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta chưa vững chắc, lạm phát luôn ở mức cao, VND mất giá liên tục... Theo quy định tại Luật NHNN, NHNN có chức năng quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhưng khi DN muốn hoạt động kinh doanh vàng thì Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép; quản lý thị trường thì do Bộ Công Thương; xuất nhập khẩu qua hải quan thì do Bộ Tài chính; quản lý chất lượng thì do Bộ Khoa học và Công nghệ; ngay cả hoạt động xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ cũng không có các quy định để điều phối, kiểm soát; để phân biệt vàng trang sức, mỹ nghệ với các loại vàng khác. Do vậy thời gian qua, bất chấp “barem” của Thống đốc NHNN “nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng là có dấu hiệu đầu cơ”, thị trường vàng vẫn xảy ra độ chênh cao giữa giá vàng trong nước và giá quốc tế ở mức 2 - 4 triệu đồng/lượng trong suốt 5 tháng cuối năm 2011, kể cả cho đến những ngày gần đây, mức chênh đó vẫn duy trì ở mức trên 2 triệu đồng/lượng.

Đứng trước thực trạng này, Nghị định 24 ra đời là hoàn toàn phù hợp, góp phần xóa bỏ thị trường tự do về ngoại tệ, lập lại kỷ cương quản lý ngoại hối, làm lành mạnh cho hoạt động sản xuất - kinh doanh vàng. Theo đó, Chính phủ quy định: “DN muốn kinh doanh vàng miếng phải hội tụ đủ 5 điều kiện: phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế) và có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên”.

Nghị định đã có, NHNN cũng sắp sửa ban hành văn bản để hướng dẫn và triển khai cụ thể, điều quan trọng là NHNN phải vào cuộc một cách tích cực, nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, cải thiện, tăng dự trữ quốc gia; lập lại kỷ cương thị trường ngoại hối, nhất là mở lối đi cho kinh doanh vàng.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=327
Quay lên trên