Chủ tịch Hồ Chí Minh cả cuộc đời lo việc nước, việc dân. Năm 1946, khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Riêng chuyện học hành, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm đến con người, phát triển con người, chăm lo sự nghiệp giáo dục: “Vì sự nghiệp 10 năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người”.
Từ ngày thành lập nước 2-9-1945, 68 năm qua, sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển vượt bậc cả lượng lẫn chất. Theo Unesco, trong thập niên vừa qua, nỗ lực của Việt Nam đã mang lại những thành tựu đáng kể bao gồm tỷ lệ nhập học tiểu học (99% năm 2010) và tỷ lệ biết chữ ở người lớn cao, cũng như nâng cao tỷ lệ cân bằng giới ở hầu hết các bậc học. Truyền thống hiếu học được phát huy. Xã hội học tập được xây dựng và được tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình hưởng ứng, đã trở thành phong trào rộng khắp.
Tại Bình Dương, sự nghiệp giáo dục liên tục phát triển ổn định. Tính đến tháng 5-2013, toàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia chống mù chữ; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học (trong đó 84/91 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 và 6/91 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2); 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS; 88/91 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn của tỉnh về PCGD bậc trung học. Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng.
Những ngày này, khi nhân dân phấn khởi đón mừng Quốc khánh 2-9 cũng là thời điểm cả nước rộn ràng chuẩn bị khai giảng năm học mới. Giữa tháng 8 vừa qua, học sinh các cấp đã bắt đầu tựu trường. Một trong những khó khăn của tỉnh Bình Dương nói chung, ngành giáo dục nói riêng trong những năm gần đây là tình trạng tăng học sinh đầu năm học mới, đa số là học sinh con em dân nhập cư. Riêng năm học mới 2013-2014, dự kiến con số học sinh mới này tăng khoảng 24.000 em. Để đáp ứng nhu cầu học tập cho số học sinh tăng thêm trong năm học này, tỉnh đã xây dựng thêm 700 phòng học, vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng cùng nhiều giải pháp tích cực khác để đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đi học nói trên đều được đến trường.
Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh và chính quyền luôn quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đầu tư con người, tỉnh đã tập trung đầu tư bằng nhiều nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị phục vụ giảng dạy theo hướng đồng bộ. Quan tâm chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mùa tựu trường hàng năm, hội khuyến học các cấp, các Mạnh Thường Quân thường tổ chức tặng học bổng, quần áo, tập sách cho học sinh, tiếp sức cho các em đến trường.
Dân tộc Việt vốn coi trọng việc học. Nhiều bậc phụ huynh dù gian khổ khó khăn vẫn quyết chí nuôi con ăn học thành tài. Nhiều tấm gương vượt khó học tốt thường xuyên xuất hiện giữa đời thường. Hiếu học trở thành truyền thống quý báu luôn được duy trì và phát huy. Nhiều người ăn học thành tài dù làm “thầy” hay “thợ” cũng đều góp công sức xây dựng đất nước và nuôi sống bản thân, gia đình.
Trước lúc đi xa, Bác Hồ đã dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau chính là sự nghiệp trồng người của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó sự nghiệp giáo dục giữ vai trò trọng yếu. Toàn Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân Bình Dương đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ giáo dục và sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, thực hiện nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đặc biệt, đó còn góp phần thực hiện ham muốn của Bác Hồ: “Ai cũng được học hành”, để góp phần dựng xây đất nước giàu mạnh, phồn vinh.
DÂN THƯỜNG