Nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển - Kỳ 3

Cập nhật: 06-05-2021 | 08:00:46

Kỳ 3: Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại

Những năm qua, Bình Dương đã tập trung huy động và phát huy các nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, đồng thời góp phần xây dựng thành công hạ tầng giao thông thông minh, thành phố thông minh Bình Dương.

 Bình Dương là tỉnh liên tục dẫn đầu chỉ số hạ tầng trên cả nước trong nhiều năm qua. Trong ảnh: Đường Phạm Ngọc Thạch, tuyến đường kết nối trung tâm TP.Thủ Dầu Một với khu vực thành phố mới Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Chỉ số hạ tầng liên tục dẫn đầu cả nước

Trong những năm qua, Bình Dương đã vận dụng sáng tạo, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tập trung huy động và phát huy các nguồn lực trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông nhằm tạo nền tảng, động lực phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng 433,6km đường giao thông các cấp và 9 cầu, bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa thuận tiện.

Đến nay, cùng với tuyến quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, Mỹ Phước - Bàu Bàng, ĐT741, cụm tuyến ĐT743, ĐT746 (đoạn từ cầu Tân Phước Khánh đến đường Vành đai 4)…, hệ thống đường chuyên dùng trong các khu công nghiệp, đô thị, dân cư cũng đã được đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp, góp phần tạo động lực thu hút đầu tư, đưa kinh tế Bình Dương chuyển dịch mạnh mẽ. Cùng với các công trình được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, những năm qua, Bình Dương đã đầu tư nhiều dự án trọng điểm tiêu biểu từ nguồn vốn ngân sách, như: Đường ĐT744, ĐT745, ĐT747A (đoạn từ dốc Bà Nghĩa đến Cổng Xanh), đường 7A TX.Bến Cát, đường Phạm Ngọc Thạch - TP.Thủ Dầu Một, đường Mười Muộn - Tân Thành, đường và cầu Thới An, đường và cầu Thủ Biên, cầu Bạch Đằng… Những công trình này đã góp phần đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh, tạo kết nối liên vùng, thu hút các nguồn lực đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển chung, đồng thời tạo nên diện mạo đô thị khang trang.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: “Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Dương đã được xây dựng đồng bộ, được đánh giá là tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông tốt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ đã trở thành nền tảng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Bình Dương, góp phần đưa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn nằm trong tốp đầu của cả nước”.

Những kết quả đạt được về hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng để Bình Dương trở thành địa phương có chỉ số hạ tầng liên tục dẫn đầu cả nước nhiều năm qua. Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong giai đoạn 2016-2020, dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và điều hành của UBND tỉnh, kết quả giải ngân của tỉnh đạt khá, hàng năm đạt và vượt kế hoạch do Trung ương giao. Vốn đầu tư công đã được ưu tiên bố trí tập trung cho các dự án trọng điểm, quan trọng, các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án không có khả năng hoàn vốn trực tiếp, tạo động lực lan tỏa thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc đầu tư cho nhiệm vụ quy hoạch phát triển các trục giao thông kết nối trong và ngoài tỉnh, giữa các trung tâm đô thị, khu dân cư; nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới, chỉnh trang đô thị được quan tâm góp phần nâng cấp đô thị. Những kết quả này đã góp phần quan trọng cho tỉnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại.

Xây dựng hạ tầng giao thông thông minh

Xây dựng hạ tầng giao thông thông minh là một trong những chiến lược đột phá mới của đề án thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 và sẽ được tỉnh triển khai ngay trong năm 2021. Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, quyền Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh Bình Dương, cho biết: “Giao thông vận tải - logistics là vấn đề tiên quyết để tỉnh phát triển trong thời kỳ mới. Trong đó, tỉnh chú trọng tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt, đường sông và nâng cấp hệ thống hạ tầng đường bộ gắn với logistics thông minh. Đây là một trong những chìa khóa quan trọng nhất trong liên kết vùng, tiêu biểu là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm giảm áp lực giao thông đường bộ, giảm giá thành sản phẩm làm ra và thời gian vận chuyển” .

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Việt Long, ngay trong năm 2021, Bình Dương sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông thông minh và logistics thông minh. Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo nghiên cứu chiến lược phát triển logistics Bình Dương trong giai đoạn mới, phối hợp các doanh nghiệp, tổ chức, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam để triển khai, thực hiện.

Bên cạnh đó, Bình Dương ứng dụng mô hình TOD - đô thị phát triển theo hướng dựa vào đầu mối giao thông công cộng, nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến BRT, giao thông kết nối vùng; tiếp tục củng cố hệ thống giao thông đường bộ, xây dựng các giải pháp quản lý và nâng cấp các tuyến đường hiện hữu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Song song đó, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường trục theo hướng Bắc - Nam, Đông - Tây để hoàn thành các tuyến đường vành đai, tuyến đường trục chính của Bình Dương nhằm kết nối giao thông nội tỉnh và liên tỉnh. Ngoài ra, tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, viễn thông, công nghệ thông tin, kỹ thuật số - băng thông rộng. (còn tiếp)

 Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt NamBình Dương là tỉnh đứng đầu chỉ số cơ sở hạ tầng năm 2019 và cũng là tỉnh liên tục dẫn đầu chỉ số này trên cả nước từ nhiều năm nay. Ngay từ khi tái lập vào năm 1997, Bình Dương đã sớm chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với 29 KCN, trong đó nhiều KCN có chất lượng tốt, Bình Dương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Điều hành thành phố thông minh Bình Dương: Bình Dương đang chỉ đạo xây dựng đề án mới cho giai đoạn tiếp theo theo hướng tiếp tục thực hiện các dự án đã đề ra trong năm 2020. Theo đó, Bình Dương sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh khu công nghiệp khoa học - công nghệ; tiếp tục thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, khởi công tòa nhà WTC BDNC để làm động lực thúc đẩy phát triển trong những năm tới.

Ngài Yamada Takio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam: Bình Dương có cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đến Bình Dương đầu tư xây dựng các nhà máy. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục là cầu nối hữu nghị, thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai quốc gia, đồng thời giới thiệu môi trường đầu tư của Bình Dương đến các đối tác Nhật Bản, hỗ trợ Bình Dương triển khai các dự án giao thông trọng điểm mang tính chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để thúc đẩy kinh tế Bình Dương phát triển bền vững.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên