Nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển - Kỳ cuối

Cập nhật: 07-05-2021 | 07:26:46

Kỳ cuối: Bình Dương trở lại mạnh mẽ

 Bình Dương được đánh giá có Chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam năm 2020, đồng thời là một trong những địa phương thường đứng đầu chỉ số này trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, những nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh đã được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao qua kết quả cuộc điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020. Bình Dương từ vị trí thứ 13 (năm 2019) đã tăng 9 bậc, vươn lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng chung năm 2020.

 Bình Dương nằm trong tốp 4 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2020. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh đón nhận Kỷ niệm chương PCI 2020

 Hiệu quả trong điều hành, phát triển

Báo cáo PCI được xây dựng nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành trong cả nước. Báo cáo PCI 2020 đánh dấu năm thứ 16 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác thực hiện và công bố Chỉ số PCI tại Việt Nam. Với quy mô điều tra toàn diện và phương pháp luận cập nhật định kỳ nhằm bám sát thực tế chuyển động của môi trường kinh doanh Việt Nam, báo cáo PCI 2020 tiếp tục chuyển tải tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành qua những trải nghiệm thực tế của các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, vào thời điểm đầu năm 2020, nhiều đánh giá quốc tế cho rằng Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế có được từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung, củng cố vị thế quốc gia như một trong những “công xưởng” của thế giới và có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 7%. Việt Nam đã trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Dịch bệnh Covid-19 phần nào đã làm đình trệ tiến trình này, khiến tỷ lệ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam chỉ còn 2,9%. Dù vậy, trên bình diện rộng hơn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn thu hút được một lượng đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2020 với số vốn 28,5 tỷ đô la Mỹ, bằng 75% so với năm 2019. Vốn đầu tư thực hiện năm 2020 đạt gần 20 tỷ đô la Mỹ, tương đương mức cùng kỳ năm trước. Kết quả ấn tượng của Việt Nam trong ứng phó, kiềm chế dịch bệnh cũng đã góp phần tăng sức hút của Việt Nam.

Riêng tại Bình Dương, năm 2020 trong bối cảnh kinh tế - xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dưới sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, kịp thời của tỉnh cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp đã giúp Bình Dương đạt được những kết quả quan trọng. Bình Dương đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe của người dân, vừa đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của tỉnh tăng 6,19% so với năm 2019. Theo đánh giá, mặc dù đó là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay, nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá cao so với cả nước và khu vực Đông Nam bộ.

Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,02%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 133.568 tỷ đồng, tăng 11,6%; tổng vốn FDI của tỉnh đạt 1 tỷ đô la Mỹ, vốn đầu tư trong nước đạt hơn 70.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, thu hút FDI của Bình Dương đạt 35 tỷ đô la Mỹ với 3.923 dự án, xếp thứ 3 cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 27,4 tỷ đô la Mỹ, xuất siêu 6 tỷ đô la Mỹ. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 61.400 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 45.300 lao động; thu nhập bình quân đầu người 151 triệu đồng/năm.

Ấn tượng Bình Dương

Với việc vượt qua những khó khăn trở ngại chung, Bình Dương vươn lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng PCI năm 2020. Nhiều chuyên gia đánh giá Bình Dương đã trở lại ấn tượng và mạnh mẽ, là “một trong những ngôi sao” trong bảng xếp hạng PCI 2020.

Trao đổi về việc thời gian qua Bình Dương vẫn thu hút được dòng vốn FDI, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, cho rằng có nhiều yếu tố quan trọng, như vị trí địa lý của Bình Dương thuận lợi, nằm trên trục phát triển kinh tế của TP.Hồ Chí Minh cũng như liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, Bình Dương đã có sự đầu tư rất bài bản, khoa học về hạ tầng kỹ thuật giúp chất lượng hạ tầng của Bình Dương được nâng cao, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt là về cải cách thủ tục hành chính, thời gian vừa qua, Bình Dương đã có những bước tiến đáng ghi nhận, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. “Bình Dương có trung tâm hành chính công, qua điều tra nhiều năm chúng tôi thấy rằng các doanh nghiệp đánh giá rất hiệu quả. Chất lượng hạ tầng của Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu nhiều năm và dẫn đầu năm 2020 của cả nước về khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, internet, điện… Với chất lượng điều hành thể hiện qua điều tra PCI cao, chúng tôi có niềm tin rằng Bình Dương sẽ có những đột phá mạnh mẽ trong thời gian tới để thu hút FDI, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng kết quả PCI năm 2020 của tỉnh vươn lên vị trí thứ 4 thể hiện những nỗ lực của Bình Dương thời gian qua trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. “Tôi đánh giá cao việc Bình Dương xây dựng mô hình thành phố đổi mới sáng tạo. Điều quan trọng Bình Dương xây dựng mô hình này không chỉ là cơ sở vật chất mà quan trọng nhất đó là tạo ra một hệ sinh thái, tạo nên những dịch vụ hoàn hảo, môi trường kinh doanh thuận tiện để có thể thu hút được lực lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến đầu tư, kinh doanh tại địa phương. Tôi rất hy vọng với sự dày dặn trong quá trình phát triển, với kinh nghiệm tích lũy được và là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu trong công cuộc công nghiệp hóa đất nước, Bình Dương sẽ tiếp tục thành công”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, thời gian tới VCCI sẽ sẵn sàng chung tay với Bình Dương trong thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. VCCI sẽ đồng hành với tỉnh để có thể chuyển đổi mô hình phát triển cũng như cơ cấu kinh tế có hiệu quả hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Những nỗ lực của Bình Dương thời gian qua để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là rất đáng trân trọng. Tôi mong rằng, thời gian tới Bình Dương sẽ lấy lại được phong độ của mình như là “một lực lượng dẫn dắt” trong quá trình cải cách, công nghiệp hóa của đất nước. Bình Dương giờ đây đang bắt đầu cuộc hành trình của mình và VCCI xin được chung tay cùng địa phương trong những nỗ lực này, nhất là trong vấn đề thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế hiệu quả”.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đang được xem là hình mẫu của thành phố thông minh, với hàng loạt lợi thế “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” và tiến trình ứng dụng công nghệ cao vào khắp mọi lĩnh vực. Với đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương được khởi động từ năm 2016, trở thành chiến lược phát triển trọng tâm của Bình Dương nhằm đi đến mục tiêu là tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa kinh tế của tỉnh chuyển dần sang dịch vụ - công nghệ cao, xây dựng Bình Dương trở thành đô thị xanh, thông minh và hiện đại trong tương lai.

 MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=646
Quay lên trên