Nâng cao năng lực, nâng tầm phục vụ

Cập nhật: 08-06-2023 | 08:26:27

Các Chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), Par Index (cải cách hành chính tỉnh), PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan Nhà nước) là thước đo năng lực cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) và hiệu quả phục vụ của cơ quan Nhà nước trên từng lĩnh vực. Năng lực cán bộ càng cao thì hiệu quả phục vụ càng lớn. Nâng cao năng lực cán bộ không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ của cơ quan Nhà nước, mà còn đem lại sự hài lòng từ người dân, doanh nghiệp.

Nhìn vào một số chỉ số thành phần của các Chỉ số PCI, Par Index, PAPI, SIPAS điều dễ dàng nhận thấy là tất cả đều có liên quan đến người dân, doanh nghiệp. PCI có rất nhiều chỉ số thành phần đánh giá hiệu quả, năng lực cung cấp dịch vụ của cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thông qua ý kiến của doanh nghiệp. Tương tự, PAPI, SIPAS cũng có nhiều chỉ số thành phần mà điểm số được quyết định bởi ý kiến đánh giá của người dân. Nêu vấn đề này để thấy rằng, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp quyết định điểm số các chỉ số thành phần của PCI, Par Index, PAPI, SIPAS.

Đặc thù của Bình Dương là tỉnh công nghiệp, có số lượng doanh nghiệp vượt trội so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Cùng với số lượng doanh nghiệp lớn, lĩnh vực đầu tư cũng dàn trải trên nhiều lĩnh vực, trong khi hướng dẫn của Trung ương và các bộ, ngành còn chậm nên không tránh khỏi sự chậm trễ trong việc giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Trong khi đó, khảo sát của các tổ chức đánh giá năng lực, hiệu quả phục vụ doanh nghiệp của tỉnh lại được thực hiện ngẫu nhiên nên không tránh khỏi câu chuyện “chín người mười ý”, từ đó dẫn đến việc đánh giá chưa thật sự sát hợp với tình hình của Bình Dương.

Bình Dương cũng là địa phương có số lượng lao động ngoại tỉnh đến làm ăn, sinh sống cao thuộc tốp đầu cả nước, kéo theo việc phát sinh các vấn đề về hành chính liên quan đến đời sống dân sinh. Dân số cơ học tăng mạnh, nhưng số lượng cán bộ giải quyết các thủ tục hành chính không tăng chắc chắn sẽ dẫn đến việc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân. Đây là bài toán khó đối với Bình Dương trong việc làm hài lòng người dân để cải thiện một số chỉ số thành phần trong các bộ chỉ số nói trên.

Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao các chỉ số nói trên, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó nâng cao năng lực cán bộ nhằm đem lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp được xác định là giải pháp ưu tiên. Năng lực cán bộ không chỉ được đánh giá thông qua trình độ chuyên môn nghiệp vụ, mà còn bao gồm cả đạo đức công vụ. Đạo đức công vụ là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả công việc. Một cán bộ tinh thông nghiệp vụ nhưng thiếu đạo đức công vụ thì hiệu quả công việc đem lại sẽ không cao. Nâng cao năng lực cán bộ do vậy phải nâng cao cả hai mặt trình độ chuyên môn và đạo đức công vụ.

Tin rằng với những giải pháp đồng bộ, trong đó xác định nâng cao năng lực phục vụ của cán bộ là giải pháp trước tiên, Bình Dương sẽ nhanh chóng cải thiện được thứ hạng các chỉ số, làm hài lòng người dân, doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình phát triển.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Tags
Par Index

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên