Nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ

Cập nhật: 17-03-2015 | 08:04:28

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), năm 2014, cả nước xảy ra hơn 6.700 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 630 người chết, hơn 1.540 người bị thương nặng. Về cháy nổ, xảy ra hơn 2.370 vụ cháy làm 90 người chết, bị thương 143 người, thiệt hại hơn 1.300 tỷ đồng và hơn 1.300 ha rừng.

 Mới đây nhất, trưa ngày 16-3, 5 căn nhà trên đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP.Hồ Chí Minh đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Rất may không có thiệt hại về người. Trước đó, sáng 15-3, hỏa hoạn đã xảy ra tại một kho chứa phế liệu trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, thuộc khu phố 4, phường An Phú, TX.Thuận An (Bình Dương). Khi mùa khô đến, những vụ cháy tương tự sẽ xảy ra nhiều hơn nếu mỗi người, mỗi nhà, cơ quan đơn vị, nhà máy xí nghiệp không quan tâm hoặc bất cẩn lơ là trong việc PCCN.

Tình hình và những con số trên cho thấy những nỗ lực trong giảm thiểu TNLĐ, cháy nổ trong thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Có thể nói TNLĐ và cháy nổ đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Hậu quả của TNLĐ và cháy nổ là khôn lường nên đòi hỏi công tác bảo đảm ATVSLĐ-PCCN cần được chú trọng.

Mới đây, ngày 15-3, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN đã tổ chức lễ phát động Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ- PCCN lần thứ 17 năm 2015 với chủ đề “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”. Ban Chỉ đạo đã đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 và yêu cầu các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện. Theo đó, các đơn vị phải xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp về ATVSLĐ-PCCN, nghiêm túc thực hiện đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và kiên quyết xử lý nghiêm nếu có vi phạm… Các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn thực hiện xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe người lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

Song song đó, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ-PCCN ở các doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động. Người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATLĐ-VSLĐ). Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATLĐ-VSLĐ cho người lao động tại doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác phòng ngừa TNLĐ. Đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác ATVSLĐ-PCCN.

 NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=880
Quay lên trên