Trong suốt chặng đường chuyển mình vươn lên, tỉnh Bình Dương luôn song hành nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn liền với chăm lo, phát triển mọi mặt về đời sống văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao mức sống, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn.
Mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế tại Bình Dương, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội và Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua đều có chung nhận định: Bình Dương luôn lấy người dân làm trung tâm trong suốt quá trình phát triển kinh tế. Sau hơn 26 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương từ một tỉnh nông nghiệp đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển; đồng thời với phát triển kinh tế, tỉnh luôn chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội phục vụ nhân dân...
Tỉnh đã xây dựng, ban hành một số chủ trương, chính sách nhằm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm văn hóa và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ đó, trong lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các thiết chếvăn hóa cấp tỉnh và cơ sở được quan tâm đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị, như: Hệ thống thư viện, bảo tàng, các di tích lịch sử văn hóa, nhà thi đấu thể thao đa năng, các trung tâm văn hóa - thông tin - thể thao học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa xã... Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm gìn giữ và phát huy, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở cũng được quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, lồng ghép với các phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...
Để xây dựng con người Bình Dương với những chuẩn mực đạo đức, lối sống, tác phong phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế, Bình Dương cũng đã kịp thời ban hành kếhoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 với 5 mục tiêu lớn. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa, để văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
K.TÂN