"Nắng - gió - biển, khoảng trời mênh mông, yên bình và cổ kính. Tôi đặt tên như thế vì chuyến đi chứa chan nhiều kỷ niệm đẹp cùng các bạn", bạn Lê Lan viết.
Chúng tôi đến Huế vào những ngày cuối tháng tư. Huế đón chúng tôi với không khí trong lành của sáng sớm mai. Những giọt sương còn in trên lá cây, dòng người trên đường còn thưa thớt. Quán cóc bên đường lác đác vài chú công nhân lao động, xe ôm đang thưởng thức tô bún nóng hổi.
Lăng Khải Định là một trong những điểm đến mơ ước của chúng tôi. Vua Khải Định (1961-1925) là vị vua thứ 12 của thời triều Nguyễn và cũng là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm. Lăng được khởi công xây dựng vào năm 1920 hoàn tất sau 11 năm. Nguyên vật liệu được nhập từ các nước khác như Pháp, Trung Quốc tuy nhiên diện tích khá khiêm tốn so với các lăng khác. Về kiến trúc đa phần kết hợp giữa sự cổ kính, hiện đại vừa lạ vừa quen.
Đảo Cù Lao Chàm.
Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, nơi của những người thợ được phô diễn, gửi gắm. Công trình này gồm 5 phần liền nhau: 2 bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng. Phía trước là điện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung vua Khải Định. Chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua và mộ phần phía dưới. Trong cùng là khám thờ bài vị của ông vua quá cố.Ngoài lăng Khải Định còn có lăng Tự Đức (1848- 1883) được xem là một trong những công trình đẹp nhất thời Nguyễn. Lăng được dựng trong một thung lũng, xung quanh được bao quanh theo lối kiến trúc một công viên.
Ngoài ra, còn có lăng Minh Mạng, bên cạnh đó còn có các công trình kiến trúc cổ như hoàng thành Huế, chùa Thiên Mụ còn gọi là chùa Mụ Tự, Ngọ Môn và điện Thái Hoà.
Dòng sông Hương thơ mộng chảy nhè nhẹ như dệt thêm nỗi nhớ của chúng tôi khi tạm chia tay Huế vào một chiều xuân.
Tôi như kẻ bộ hành thèm khát những dấu chân, bàn chân cứ thúc giục. Chúng tôi đi và ngắm hết chỗ này đến chỗ khác nhìn ngắm như để ghi dấu những gì chúng tôi cảm nhận. Người dân đơn giản và rất hiếu khách khiến chúng tôi đi giữa những con đường vào ban đêm không chút lo sợ. Ngắm nhìn sông Hương vào đêm thật lãng mạn và êm đềm.
Tạm chia tay Huế chúng tôi lên xe đi Hội An. Hội An được xem là di sản văn hoá thế giới công nhận năm 1999 nằm cách thành phố Đà Nẵng 30 km về hướng đông nam. Được phát triển từ thế kỷ thứ 16 Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông Tây. Nơi thu hút rất nhiều nước khác đến trao đổi mua bán hàng hoá như Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan..
Sự khác biệt rất rõ khi vào khu phố cổ đó là sự náo nhiệt giữa hai con đường nhỏ chen chúc các quán bar, nhà hàng và các quán nhỏ dọc bên con sông. Chùa Cầu biểu tượng của Hội An không thể bỏ qua cho chuyến ghé thăm này. Ngôi chùa nhỏ, cổ kính còn có tên gọi là chùa Nhật Bản có hình chữ Công, mái che uống cong mềm và được chạm khắc nhiều họa tiết. Công trình mang đậm nét văn hoá Nhật do các thương gia Nhật đến buôn bán tại đây xây dựng vào giữa thế kỷ 16.
Hội An hội tụ rất nhiều nhà cổ, nhà thờ và các bảo tàng văn hoá. Các con đường treo những chiếc đèn lòng màu đỏ hồng lung linh và huyền diệu. Khung cảnh thật nên thơ, chiếc xe đạp nhỏ là phương tiện di chuyển trong phố cổ của tôi.
Tạm chia tay nơi cổ kính, sáng hôm sau, chúng tôi hoà mình vào làn nước biển trong xanh của Cù Lao Chàm. Đây là một cụm đảo cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 km và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Bờ biển không dài lắm nhưng cát trắng với những hàng dửa biển cao xanh, có rất nhiều du khách đến thăm cù lao. Chúng tôi hào hứng với những làn nước trắng tung toé, mang chiếc áo phao, ống lặn và cặp kính. Thế giới san hô muôn màu làm tôi tưởng như đang vào thế giới khác của thiên nhiên tuyệt đẹp.
Món ăn dân dã rất được ưu chuộng đó là cua đá hấp, mực một nắng nướng, ghẹ… Tiếng cụng ly côm cốp được bật lên ở một góc của căn chòi nhỏ.
Tôi rời Cù Lao Chàm một chiều nắng đẹp, những ngọn sóng biển tung lên như những viên kim cương sáng lấp lánh. Cậu hướng dẫn viên lượm một chiếc nón rơm của người khách bỏ lại và bảo "nón này em dùng đi tour thật là thích" . Cuộc sống tại Cù Lao Chàm còn khá vật vả và khó khăn.
Niềm mơ ước của tôi đã thành sự thật, chuyến đi tuy ngắn nhưng tôi mãn nguyện về những gì tôi thấy, chạm tay vào, cảm nhận và được sống thật sự tại nơi ấy chứ không phải qua những trang viết. Tôi tự hứa một ngày nào đó sẽ trở lại Huế, Hội An với thời gian khá hơn để được thong dong dạo phố bên bờ sông Hương, phố cổ…
Lê Lan
(THEO VNE)