Ngăn chặn tội phạm mua bán người – Bài cuối

Cập nhật: 23-09-2023 | 12:39:34

Bài cuối: Phát hiện sớm các thủ đoạn để đấu tranh có hiệu quả

Pháp luật hình sự Việt Nam hiện đã quy định rõ các hành vi mua bán người (MBN) cùng các khung hình phạt tương đương. Việc xử lý hình sự hành vi MBN không chỉ răn đe tội phạm mà còn góp phần bảo vệ “quyền con người”.

Xử lý hình sự hành vi MBN

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh chủ yếu liên quan đến hoạt động kinh doanh massage. Theo đó, một số cơ sở massage vì lợi nhuận kinh doanh mà tuyển dụng các thiếu nữ (thậm chí dưới 16 tuổi) để làm tiếp viên.


Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.Thuận An tuyên truyền kỹ năng phòng, chống tội phạm cho nữ công nhân lao động trên địa bàn

Để tuyển dụng, chủ cơ sở massage “đặt hàng” cho các đối tượng môi giới “săn” những thôn nữ sau đó đối tượng môi giới sẽ bán cho chủ cơ sở massage. Tuy nhiên, đáng nói là nhiều chủ cơ sở massage và đối tượng môi giới không nhận thức rõ hành vi xem con người như loại hàng hóa để trao đổi đều có yếu tố của dấu hiệu tội phạm MBN.

Phân tích về hành vi MBN, luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hãng luật Bigboss Law (Đoàn Luật sư Bình Dương), cho biết theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11-1-2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, MBN là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi phạm tội.

Nhóm hành vi phạm tội thứ nhất là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, có kèm theo việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Nhóm hành vi phạm tội thứ hai là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Nhóm hành vi phạm tội thứ ba là tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi thuộc hành vi thứ nhất và hành vi thứ hai.

Chú trọng hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân

“Nạn nhân của tội phạm MBN thường phải trải qua trải nghiệm đau khổ và tâm lý căng thẳng. Do đó, việc cung cấp hỗ trợ tâm lý và xã hội là rất cần thiết để giúp họ hồi phục và thích nghi lại với cuộc sống. Đồng thời, nạn nhân cũng rất cần được hỗ trợ tham gia vào các quá trình pháp lý liên quan đến vụ việc, bao gồm cung cấp luật sư và tư vấn pháp lý. Thông qua việc triển khai các chương trình và dự án phòng ngừa tội phạm MBN sẽ góp phần ngăn chặn các trường hợp MBN và trẻ em dưới 16 tuổi trong tương lai. Giáo dục và tạo nhận thức về MBN là một phần quan trọng trong việc ngăn chặn tội phạm này”, luật sư Mai Tiến Luật cho biết.

Do đó, hành vi của chủ cơ sở massage và đối tượng môi giới đều có thể bị xử lý về tội MBN. Có thể nói rằng, hành vi MBN và trẻ em dưới 16 tuổi trong các cơ sở massage là một tội phạm nghiêm trọng, đe dọa đến quyền con người và quyền của trẻ em. Theo Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì chủ cơ sở massage và đối tượng môi giới “săn” tìm thiếu nữ có thể bị phạt tù lên đến 20 năm. Bên cạnh đó, theo khoản 4 điều này, chủ cơ sở massage và đối tượng môi giới “săn” thiếu nữ còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bên cạnh đó còn có trường hợp các chủ cơ sở massage và đối tượng môi giới còn có hành vi MBN dưới 16 tuổi. Đối với hành vi này, có thể bị phạt tù 20 năm hoặc chung thân theo khoản 3 Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Từ khi Luật Phòng, chống MBN năm 2011 được thi hành đến nay đã đạt được kết quả đáng khích lệ, không chỉ tạo thuận lợi cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, trấn áp tội phạm MBN, mà còn là cơ sở để bảo đảm tốt hơn quyền của người bị mua bán. Theo số liệu của Bộ Công an, tính từ ngày 1-1-2011 đến tháng 2-2023, cơ quan công an đã khởi tố 1.744 vụ án, 3.059 bị can về MBN (100% được kiểm sát theo quy định); Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý 1.661 vụ, 3.209 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 1.634 vụ (đạt 98,4%), 3.137 bị cáo (đạt 97,8%).

Việc xác định, hỗ trợ nạn nhân MBN đã đạt kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo vệ quyền con người, nạn nhân bị mua bán. Từ năm 2012 đến nay, cơ quan chức năng đã tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân MBN về nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại, y tế, tâm lý; trợ giúp pháp lý; học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

Lấy nạn nhân làm trung tâm

Qua trao đổi với P.V, luật sư Mai Tiến Luật cho biết thêm, bên cạnh việc xử lý hình sự đối với những người vi phạm, pháp luật Việt Nam cũng chú trọng đến việc bảo vệ nạn nhân của tội phạm MBN. Cụ thể là bảo vệ danh tính của nạn nhân với mục đích bảo đảm sự an toàn cho nạn nhân; thông tin về danh tính của họ được bảo mật và không được tiết lộ.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho biết theo quy định của pháp luật, đối với trường hợp làm việc trong các cơ sở “nhạy cảm” như karaoke, massage thì phải đủ 18 tuổi trở lên. Qua công tác kiểm tra địa bàn của đội phòng, chống tệ nạn trong các cơ sở này, lực lượng chức năng đã kiểm tra người lao động đã đủ tuổi chưa? Có hợp đồng lao động với chủ kinh doanh hay không? Khi kiểm tra hồ sơ nhân viên các cơ sở kinh doanh cung cấp, lực lượng chức năng đồng thời cũng tra cứu trên hệ thống dữ liệu quốc gia để đối chiếu thông tin và phát hiện sai phạm, nếu có sẽ xử lý nghiêm.

Thời gian qua, Sở LĐ- TB&XH đã ban hành văn bản gửi đến các Phòng LĐ- TB&XH huyện, thị, thành phố về việc tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, massage và nhắc nhở không sử dụng lao động khi chưa đủ tuổi. Ngoài ra, sở còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tuyên truyền đến các khu nhà trọ, lực lượng thanh niên công nhân các quy định của pháp luật về độ tuổi lao động và quyền lợi của người lao động.

“Thời gian tới, cán bộ sở sẽ phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra đột xuất để phòng ngừa, hạn chế sử dụng người lao động chưa đủ tuổi; nếu phát hiện vi phạm sẽ phạt nghiêm. Ngoài ra, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là nơi cha mẹ có thể báo tin, tư vấn các vấn đề về trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, bị bóc lột, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và vi phạm quyền trẻ em”, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH, cho biết thêm.

Khi trở thành nạn nhân của MBN, gọi cho ai?

Nhằm chủ động phòng, chống tội phạm MBN, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng đường dây nóng 111. Tổng đài 111 có chức năng tiếp nhận thông tin, tư vấn cho người dân các kiến thức về phòng, chống MBN. Tổng đài phối hợp với các cơ quan để giải cứu và hỗ trợ cho các nạn nhân của MBN. Ngoài tổng đài 111, người dân có thể liên hệ tổng đài 113 để cung cấp thông tin về an ninh trật tự, trong đó có thông tin về MBN.

Ngoài 2 tổng đài trên, tại Bình Dương, người dân còn có thể liên hệ số điện thoại 0274 382.4087 hoặc trực tiếp đến trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh (số 615 Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) hoặc cơ quan công an gần nhất để cung cấp thông tin về MBN.

N.HẬU - Q.ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1637
Quay lên trên