Ngăn ngừa “té nước theo mưa”

Cập nhật: 02-06-2022 | 07:11:22

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, hôm qua (1-6), Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Trong đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt ra vấn đề về giá cả gia tăng liên tục, đặc biệt, giá xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của người dân, đặc biệt là công nhân lao động, người nghèo...

Xăng dầu là chi phí đầu vào của rất nhiều hàng hóa, dịch vụ. Vì thế, xăng dầu tăng giá sẽ kéo theo sự tăng giá của rất nhiều mặt hàng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chính sách điều hành giá mà còn liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Theo tính toán của đại biểu Quốc hội, giá nhiên liệu cứ tăng 1%, cộng với chi phí nguyên vật liệu sẽ khiến giá sản phẩm đầu ra tăng 2,6%, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, tạo áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân. Cũng như cả nước, dưới tác động của giá xăng dầu tăng, nhiều mặt hàng tại các chợ đầu mối, truyền thống và các cửa hàng tiện lợi ở Bình Dương cũng đã thiết lập mặt bằng giá cả mới. Theo khảo sát của phóng viên thì một số mặt hàng rau củ quả tại các chợ đã tăng giá từ 10 - 15%; giá các loại trứng gia cầm cũng được điều chỉnh tăng từ 6 - 7...

Thời gian qua, để kịp thời ổn định tình hình giá cả, ngành công thương tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng tham gia chương trình bình ổn cam kết giữ giá, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu. Đối với những mặt hàng đã được điều chỉnh tăng giá nhưng vẫn bảo đảm thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5 - 10%. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường giúp ổn định chính sách điều hành giá và giúp người dân ổn định cuộc sống sau thời gian dài giảm thu nhập do dịch bệnh. Để kịp thời chia sẻ khó khăn với công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành liên quan, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Quốc hội một số nội dung như: Vận động chủ nhà trọ không tăng giá phòng cho thuê; không tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm; quan tâm điều chỉnh tiền lương cho công nhân lao động. Đồng thời, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã làm việc với các doanh nghiệp phúc lợi bán hàng giá gốc cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động thông qua các phiên chợ...

Trở lại với nghị trường Quốc hội ngày hôm qua, bên cạnh phân tích, đánh giá công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cũng đã có những hiến kế nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát. Đó là xây dựng hệ thống các giải pháp đồng bộ, từ ngắn hạn trung hạn và dài hạn thích ứng với 2 kịch bản tăng trưởng; giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiện tượng domino tăng giá các mặt hàng hóa khác. Đồng thời hỗ trợ giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát giá chống đầu cơ, chống các hành vi “té nước theo mưa”...

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=488
Quay lên trên