Nghi ngờ tính khả thi

Cập nhật: 22-08-2012 | 00:00:00

Có những quy định, văn bản quy phạm pháp luật ra đời được xem là kịp thời, rất cần thiết để điều chỉnh hoạt động của xã hội hay hành vi của cá nhân... Tuy nhiên, việc thực thi nghiêm hay không nghiêm, quy định có hiệu quả hay không lại là chuyện khác. Thậm chí có những quy định không phát huy được tác dụng trong đời sống xã hội, bởi người ta nghi ngờ đến tính khả thi của nó. Xin đưa ra một vài ví dụ.

Ngày 6-4-2005, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính việc hút thuốc lá ở nơi công cộng. Địa điểm công cộng được quy định cấm hút thuốc lá là rạp hát, rạp chiếu phim, phòng họp, phòng làm việc, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng và trên các phương tiện giao thông công cộng. Đến ngày 1-1-2010, Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát thuốc lá bắt đầu có hiệu lực đã mở rộng thêm một số khu vực công cộng khác là lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế nói chung, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao. Một nghị định khác của Chính phủ là Nghị định 52/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực từ ngày 5-8 vừa qua, nhiều hành vi trước đây chỉ nhắc nhở sẽ bị phạt bằng tiền với mức rất nặng. Nghị định này quy định hàng loạt hành vi vi phạm quy định về phòng chống cháy nổ. Trong đó, đáng chú ý, đối với hành vi sử dụng điện thoại di động tại cây xăng sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng. Trên đây là hai nghị định đã có hiệu lực thi hành. Thế nhưng hiệu quả đem lại thì chưa rõ ràng. Hiện nay, tình trạng hút thuốc nơi công cộng vẫn diễn ra bình thường. Tại các cây xăng, người ta vẫn vô tư “a lô”. Hành vi vi phạm thì quá rõ ràng, nhưng không thấy ai nhắc nhở, không thấy lực lượng xử phạt đâu cả. Vì vậy người ta vẫn vô tư vi phạm.

Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 33/2012/TT-BNN&PTNT quy định điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm có hiệu lực từ ngày 3-9 tới. Theo đó, thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ. Đối với trường hợp được bảo quản ở 0 - 5 độ C thì được bày bán trong vòng 72 giờ kể từ khi giết mổ... Quy định là vậy, nhưng người tiêu dùng vẫn nghi ngờ về tính khả thi của thông tư này. Bởi người tiêu dùng bỏ tiền ra mua thực phẩm động vật nhưng họ không dám chắc đó là thực phẩm tươi sống, có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Vì lực lượng kiểm tra có đủ số lượng để thì hành nhiệm vụ và cơ sở nào để nói thịt động vật giết mổ được bày bán đã quá thời gian quy định.

Nêu một vài ví dụ để thấy, ý thức và sự tự giác của con người là hết sức quan trọng. Vì vậy đi đôi với việc kiểm tra, xử phạt thì việc tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác thực hiện của người dân lại là điều cần đặc biệt chú trọng, quan tâm.

*THÁI PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=316
Quay lên trên