Nghị quyết “tam nông” và sự thay đổi ngoạn mục bộ mặt nông thôn ở Bình Dương- Bài 2

Cập nhật: 16-08-2022 | 08:04:54

Xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ để khơi dậy khát vọng vươn lên, để nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 71 triệu đồng/ người/năm chính là minh chứng cụ thể nhất cho việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân.

Bài 1: Hiện đại hóa nông nghiệp

Bài 2: Khi nông dân là chủ thể

Nông dân thông minh

Theo đánh giá, sau 15 năm thực hiện nghị quyết “tam nông”, người nông dân Bình Dương đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn. Theo thống kê, nhiều năm liền, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh tăng trưởng không ngừng; năm 2021, đạt 71 triệu đồng/ người/năm (cao hơn nhiều so với mức bình quân cả nước, chỉ ở mức gần 42 triệu đồng/ người/năm).

Chủ trương đúng, cùng với khát vọng vươn lên, nhiều nông dân đã thành công trên chính mảnh đất quê hương mình. Điển hình như ông Đinh Ngọc Khương (xã An Bình, huyện Phú Giáo). Ông Khương được mệnh danh “trùm gà lạnh” Bình Dương, với trang trại gà lạnh rộng 7,5ha nằm giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn. Theo lời ông kể, ông quê gốc Nam Định, sinh ra trong gia đình nghèo, với mấy sào ruộng, quanh năm chật vật. Mới 15 tuổi, ông đã bắt đầu bươn chải nhiều nơi ở miền Bắc, miền Trung, làm đủ nghề: Phụ hồ, khuân vác, thợ mộc, trồng rừng… nhưng mỗi nơi ông dừng lại chẳng bao lâu hết việc. Cuối cùng, ông quyết định vào miền Nam tìm cơ hội thay đổi cuộc đời. Và ông dừng chân ở xã An Bình, huyện Phú Giáo.

Như bao người nông dân khác, thời gian đầu, ông Khương gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật chăm sóc, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, đầu ra sản phẩm bị ép giá... Để tìm hướng đi riêng cho mình, ông Khương đã quyết định chuyển sang nuôi gà ứng dụng công nghệ cao để đạt hiệu quả kinh tế. Mày mò, học hỏi kiến thức chăn nuôi gà lạnh qua các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân; lên mạng tìm hiểu thêm những mô hình nuôi gà hiệu quả khác, sau đó đến tận nơi tham quan...

Nông dân Đinh Ngọc Khương làm giàu trên chính mảnh đất của mình

Và năm 2017, ông Khương đã quyết định vay mượn gia đình, bạn bè đầu tư chuồng trại theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, tăng đàn lên 80.000 con gà. “Mô hình trại lạnh đã giảm thiểu vấn đề dùng kháng sinh, không cần nhiều công nhân và rút ngắn ngày lại. Nếu ở mô hình nuôi gà hở cần 60 ngày mới xuất gà thịt, đối với trại lạnh, chỉ cần 52 ngày đã cho xuất gà thịt”, ông Khương cho biết thêm.

Tại chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” được tổ chức năm 2021, trong số 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, ông Đinh Ngọc Khương là nông dân có thu nhập cao nhất, 90 tỷ đồng/năm với mô hình nuôi gà lạnh đẻ trứng, ấp trứng, bán gà giống.

Ở Bình Dương, không chỉ có ông Khương, mà còn rất nhiều nông dân tỷ phú. Minh chứng rõ nhất chính là Hội Nông dân tỉnh đã thành lập được Chi hội Nông dân tỷ phú Bình Dương. Chi hội hiện có gần 50 hội viên tự nguyện tham gia. Các hội viên chi hội nông dân là những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, doanh nghiệp và có cả nhà khoa học.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với những mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, sự liên kết giữa những nông dân chỉ đang ở mức độ thấp, chưa được chặt chẽ, chưa thật sự xứng tầm với quy mô sản xuất hiện tại. Chính vì vậy, Hội Nông dân tỉnh thành lập Chi hội Nông dân tỷ phú là nhằm tạo ra một môi trường giao lưu, kết nối và học tập kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi một cách khoa học, chuyên nghiệp; tạo ra một sân chơi, một nhịp cầu để nông dân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu kinh nghiệm.

Chi hội Nông dân tỷ phú Bình Dương chính là chiếc cầu nối giữa các hội viên nông dân giỏi của tỉnh, là hạt nhân tiên phong trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; sẽ xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh vì mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại.

Tất cả vì lợi ích của người dân

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đánh giá: Nông dân nước ta đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Thu nhập của nông dân ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh; dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.

Khẳng định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; chú trọng nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh; phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo; ý chí vươn lên, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ, tiệm cận với đô thị. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.

Vấn đề này đã được Đảng bộ tỉnh nhận thức sâu sắc và có quyết sách mang tính chiến lược để nâng cao vai trò chủ thể của nông dân. Cụ thể, trong suốt quá trình lãnh đạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ tỉnh luôn xuất phát từ thực tiễn, từ lợi ích của người nông dân, “lấy dân làm gốc” để vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng cho phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Thời gian qua, bằng những chính sách hợp lý về giao quyền sử dụng đất, về chính sách thuế nông nghiệp, về vốn... đã thực sự phát huy ý thức tự lực, tự cường, khai thác triệt để sức lao động, trí tuệ, kinh nghiệm nguồn vốn trong nông dân để phát triển nông nghiệp toàn diện; sử dụng lao động trí tuệ và vốn đóng góp từ dân để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế ở nông thôn.

Từ bài học quý giá là phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã phát huy được sức dân. Qua đó, đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần tự lực, tự chủ của nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực góp vốn, góp công, hiến đất tham gia xây dựng các công trình phục vụ dân sinh. Cụ thể, giai đoạn 2011-2019, tổng vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trong toàn tỉnh đạt trên 25.722 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách chiếm 49,5%, các nguồn vốn huy động, vốn tín dụng và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 50,5%.

Bằng nhiều chủ trương, giải pháp, Bình Dương đã đạt được mục tiêu cuối cùng của nghị quyết “tam nông” là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặt người dân ở vị trí trung tâm là mục tiêu, động lực của sự phát triển. (còn tiếp)

Ở BÌNH DƯƠNG, KHÔNG CHỈ CÓ ÔNG KHƯƠNG, MÀ CÒN RẤT NHIỀU NÔNG DÂN TỶ PHÚ. MINH CHỨNG RÕ NHẤT CHÍNH LÀ HỘI NÔNG DÂN TỈNH ĐÃ THÀNH LẬP ĐƯỢC CHI HỘI NÔNG DÂN TỶ PHÚ BÌNH DƯƠNG. CHI HỘI HIỆN CÓ GẦN 50 HỘI VIÊN TỰ NGUYỆN THAM GIA. CÁC HỘI VIÊN CHI HỘI NÔNG DÂN LÀ NHỮNG NÔNG DÂN SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI, DOANH NGHIỆP VÀ CÓ CẢ NHÀ KHOA HỌC.

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên