Nghĩ về vui tết tiết kiệm, ý nghĩa

Cập nhật: 14-01-2012 | 00:00:00

Còn chưa đầy 10 ngày nữa là cả nước sẽ đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Đến giờ, không khí mua sắm, trang hoàng nhà cửa và các khâu chuẩn bị khác để đón tết đang diễn ra tất bật. Dù trong năm có làm ăn khấm khá hay chưa được thuận lợi lắm thì ai cũng muốn gạt qua một bên những muộn phiền, lo toan hàng ngày để hướng đến một cái tết ấm cúng, an lành.

 Những biến động về kinh tế trong năm 2011 đã tác động đáng kể đến đời sống, thu nhập của người dân nói chung và người lao động nói riêng, trong đó các diễn biến đáng quan tâm về lạm phát, lãi suất ngân hàng, thị trường vàng... càng về cuối năm càng được giải quyết tốt hơn đã tạo sự tin tưởng, hy vọng về một năm mới khởi sắc hơn. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận tình hình lạm phát, trượt giá đã làm cho một bộ phận người dân gặp khó khăn trong việc chi tiêu cuộc sống. Chính vì vậy, trong bối cảnh ấy, vấn đề ăn tết an lành gắn với tiết kiệm là giải pháp càng trở nên phù hợp.

 Ăn tết tiết kiệm không phải là quan niệm mới mà nó đã có từ rất lâu, với ý nghĩa kêu gọi mọi người hãy biết chi tiêu hợp lý, không quá chén, quá đà để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Xa hơn, đó còn là thể hiện sự biết trân trọng công sức lao động của chính mình và đạo lý biết chia sẻ với người khác vốn còn gặp nhiều khó khăn hơn mình. Bởi thế nên thay vì rượu thịt ê hề trong dịp tết đến mức thừa mứa, đem đi vứt bỏ thì trong xu hướng hiện nay, nhiều người đã chủ động cắt giảm những thứ không cần thiết, có điều kiện thì dành thời gian tặng quà tết, chia sẻ với các trường hợp đáng thương trong xã hội. Những việc làm ấy được xem là có ý nghĩa vì vừa sử dụng đồng tiền hợp lý, vừa thể hiện tinh thần tương thân tương ái vốn là truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc ta mỗi độ xuân về.

 Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị nghiêm cấm mua bán, tàng trữ và đốt pháo, chỉ riêng mỗi dịp Tết Nguyên đán cả nước đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng không phải bay theo làn khói pháo, đó là chưa nói còn tránh được biết bao hiểm họa, tai nạn thương tâm từ pháo. Dần dần việc không đốt pháo trong đêm giao thừa và trong ngày tết đã trở nên bình thường, tuy việc điều chỉnh tập quán này có khó khăn nhưng vì lợi ích của lối sống văn minh, an toàn nên càng lúc mọi người càng hưởng ứng cao hơn. Nói vậy để thấy rằng, chủ trương vui tết tiết kiệm của Nhà nước ta không chỉ là lời nói suông mà thể hiện suốt từ việc lớn đến việc nhỏ, nó không thể có ngay được trong mỗi dịp tết đến xuân về mà cần có thời gian thẩm thấu, ăn sâu vào ý thức mỗi người qua nhiều hoạt động, phong trào mang tính vận động, nhắc nhở, điều chỉnh hành vi trong suốt cả năm. Điều đó đòi hỏi công tác giáo dục, thông tin, tuyên truyền... cần được thực hiện thông suốt, liền mạch để ngay từ các em nhỏ cũng hiểu được vì sao mình cần sống tiết kiệm và sống tiết kiệm có lợi ích gì.

 Cứ mỗi độ xuân về, ta lại hay nhắc đến cụm từ “vui tết tiết kiệm, an lành...”. Để điều đó thành hiện thực và duy trì lâu dài, cách hay nhất là hãy xây dựng, phát triển nó thành tập quán, thói quen ích nước lợi nhà ngay trong nhận thức của mỗi người.

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=373
Quay lên trên