Nghĩa tình không quên...

Thứ sáu, ngày 22/07/2011

...Dù đã mấy mươi năm trôi qua nhưng bức ảnh thật ấn tượng đăng trên một số tờ báo sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi và những người cùng thời. Đó là bức ảnh ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc của một bà mẹ Việt Nam khi được gặp lại đứa con thân yêu là chiến sĩ giải phóng quân trong đoàn quân chiến thắng ngày trở về. Bức ảnh thật xúc động và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc vì bà mẹ trong ảnh mắt ngấn lệ nhưng khuôn mặt đầy vết chân chim lại rạng ngời hạnh phúc khi đứa con thân yêu dụi đầu vào ngực mẹ. Bà mẹ ấy là biểu tượng cho những bà mẹ Việt Nam kiên cường và bất khuất trong thời kỳ chiến tranh đã được Bác Hồ phong tặng 8 chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”...

 Chúng ta mừng cho bà mẹ ấy và nhiều bà mẹ khác còn được mở rộng vòng tay để đón những đứa con yêu thương của mình sống sót, lành lặn trở về sau chiến tranh và cùng thổn thức, chia sẻ nỗi buồn, niềm đau của những bà mẹ Việt Nam khác đã không có được niềm vui đón những đứa con ruột thịt  trở về sau khi đất nước được thống nhất, hoặc trở về không còn lành lặn như ngày nào. Đó là những bà mẹ VNAH trong cả nước có từ 1 đến 6 đứa con là liệt sĩ, đó là hàng trăm bà mẹ VNAH của tỉnh Bình Dương trên địa bàn khắp các huyện, thị. Trong thời chiến nhiều mẹ đã gởi hết đứa con này đến đứa con khác cho cách mạng, đã phải cắn chặt môi đau đớn ngoảnh mặt làm ngơ khi địch bêu xác con mình ở đầu chợ, đã gom góp những hạt gạo, đồng tiền cuối cùng trong nhà để ủng hộ cho cách mạng, đã vào tù ra khám nhiều lần, chịu mọi cực hình khi bị địch bắt khảo tra chết đi, sống lại nhiều lần... nhưng vẫn không hé răng khai báo điều gì để bảo toàn cho cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của đất nước... Và rồi khi “các anh không về mình mẹ lặng yên”, mình mẹ đau đáu một nỗi nhớ thương con vô bờ bến...

Cho đến ngày hôm nay, có những bà mẹ vẫn không tin là các con mình đã vĩnh viễn rời xa cuộc sống nên cứ chiều chiều tựa cửa ngóng trông con về, đêm đêm chong đèn chờ con về. Và dù chiến tranh đi qua đã mấy chục năm rồi nhưng những hậu quả khốc liệt và nghiệt ngã của nó vẫn còn hành hạ, làm khổ sở, điêu đứng  nhiều bà mẹ Việt Nam khi nhiều mẹ phải nuôi chồng, nuôi con là thương binh, hoặc suốt một đời còng lưng làm lụng vất vả để nuôi con, chăm cháu là nạn nhân chất độc da cam/dioxin... Đó là những bà mẹ Gio Linh (Quảng Trị), những bà mẹ của vùng Củ Chi đất thép thành đồng, của miền Đông gian lao mà anh dũng..., hay trên khắp mọi miền của đất nước. Đó còn là những bà mẹ vùng Tam giác sắt, Chiến khu Đ, Chiến khu Thuận An Hòa... kiên cường bất khuất của Bình Dương.

Kể sao hết, thống kê sao hết những tấm gương hy sinh của những bà mẹ Việt Nam. Trong những ngày tháng 7 này, những ngày mà cả dân tộc, cả đất nước có những hoạt động ý nghĩa nhằm đền ơn đáp nghĩa, tri ân các gia đình liệt sĩ cũng như các đối tượng chính sách khác và tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì sự bình yên, trường tồn của dân tộc... chúng ta càng biết ơn những bà mẹ đã sinh ra những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, tuổi trẻ của mình cho đất nước. Và dù đất nước ta đã qua rồi thời kỳ khó khăn, đói kém từ lâu nhưng đâu đó vẫn còn những đối tượng, gia đình chính sách gặp khó khăn trong cuộc sống, hoặc đâu đó ở một số địa phương công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các đối tượng chính sách vẫn còn sơ suất nhưng với sự chung tay của xã hội, của các ngành, các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp Mạnh Thường Quân... tin rằng cuộc sống của các đối tượng, gia đình chính sách sẽ ngày càng sung túc, hạnh phúc hơn. Để những năm cuối đời, những bà mẹ VNAH, những bà mẹ có công với cách mạng... được sống cuộc sống đầy đủ và thanh thản hơn vì những nghĩa tình của các mẹ, đời đời - cả dân tộc này - không thể nào quên.

VÕ HƯƠNG