Nghiêm túc, khách quan và thuận lợi

Cập nhật: 17-03-2016 | 07:22:11

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi THPT quốc gia. Trong đó, một thay đổi đáng lưu ý ở kỳ thi năm nay là cụm thi sẽ được thành lập tại các địa phương có thí sinh dự thi. Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố sẽ tổ chức ít nhất một cụm thi. Sự điều chỉnh kịp thời này đã nhận được sự đồng tình của xã hội, vì thí sinh không còn phải di chuyển xa đến các trường đại học ở các thành phố lớn để dự thi như năm trước. Sự thay đổi này trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là phải tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho học sinh, giảm chi phí, tốn kém nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

 Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã chọn thi cử làm khâu đột phá. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ được nhập thành 1 kỳ thi quốc gia. Kết quả thi vừa sử dụng xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Việc giảm bớt một kỳ thi đã giảm được áp lực căng thẳng thi cử cho học sinh, đồng thời không gây tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, do lần đầu thực hiện nên ít nhiều có những bất cập cần điều chỉnh trong khâu xét tuyển ĐH. Ngoài ra, việc tổ chức cụm thi ĐH như năm 2015 gây khó khăn cho các thí sinh ở tỉnh xa, thí sinh ở vùng sâu, vùng xa. Khắc phục hạn chế này, Bộ GD-ĐT đã kịp thời điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Theo thông tư sửa đổi, mỗi tỉnh, thành phố tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT và với trường ĐH, CĐ khác tổ chức (gọi là cụm thi ĐH). Cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH, CĐ tổ chức. Tùy tình hình cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định không tổ chức cụm thi tốt nghiệp mà tổ chức cho cả hai đối tượng thí sinh dự thi ở cụm thi ĐH tại địa phương. Ngay khi thông tư được ban hành đã tạo được sự hài lòng của phụ huynh và học sinh. Thực tế cho thấy ở kỳ thi năm trước, có những địa phương thí sinh phải khăn gói vượt hàng chục, thậm chí cả trăm cây số để đến cụm thi do trường ĐH chủ trì. Với thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình các em càng thêm nặng gánh với các khoản phí ăn, ở, đi lại... do phải di chuyển sang tỉnh khác dự thi.

Đây là năm thứ 2 kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức. Vì thế, những tồn tại yếu kém của kỳ thi năm 2015 được rút kinh nghiệm. Việc thời gian gần đây, Bộ GD-ĐT liên tục ra những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cũng nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng vẫn bảo đảm kỳ thi đạt được kết quả tốt nhất. Công việc còn lại lúc này là mỗi tỉnh, thành phố cân nhắc nên tổ chức 1 hay 2 cụm thi, sao cho phù hợp với tình hình địa phương và tránh lãng phí cho xã hội. Việc xây dựng phương án tổ chức thi cũng được các sở GD-ĐT, các trường ĐH tính toán kỹ lưỡng, làm sao kỳ thi vừa tạo thuận lợi cho thí sinh, nhưng vẫn bảo đảm nghiêm túc, khách quan, công bằng đối với mọi thí sinh.

VĂN HIỆP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên