Ngộ độc thực phẩm - nỗi lo không của riêng ai!

Cập nhật: 17-10-2012 | 00:00:00

Tối 27-9, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Hansoll Vina, TX.Dĩ An đã phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng: bụng đau, nôn ói, choáng váng... ngay sau bữa ăn chiều tại bếp ăn tập thể của đơn vị. Qua điều trị ngắn, đến sáng hôm sau tất cả công nhân này đều ổn định sức khỏe và xuất viện, không có trường hợp nào phải gặp sự cố đáng tiếc. Đây là điều đáng mừng, song từ vụ việc này cũng đã góp thêm cảnh báo, đòi hỏi tích cực ngăn ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm; bởi nỗi lo này không của riêng ai!

Ngộ độc thực phẩm có biểu hiện do ăn uống nhằm thức ăn bị nhiễm khuẩn, ôi thiu, có sử dụng chất phụ gia trong bảo quản, chế biến... Người bị ngộ độc thực phẩm không chỉ đơn thuần gây hại cho sức khỏe; nhẹ cũng khiến tinh thần mỏi mệt, âu lo; nặng có thể dẫn đến tử vong. Theo thống kê trước đây, mỗi năm ở nước ta có từ 250 - 500 ca ngộ độc thực phẩm với khoảng 7.000 - 10.000 nạn nhân và có từ 100 - 200 ca bị tử vong; quả là điều đáng quan tâm, lo ngại. Vì vậy, các đơn vị có tổ chức bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, nhà hàng nấu nướng liên hoan, tiệc cưới... ở các khu vực có đông công nhân lao động tập trung cần đặc biệt chú ý thực hiện tốt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong quá trình sản xuất thực phẩm thường trải qua nhiều công đoạn, từ chọn mua nguyên liệu, bảo quản, chế biến... đều phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, sạch sẽ, an toàn; nhất là tại khu vực bếp ăn, nơi chế biến. Do vậy, chỉ bất kỳ sơ suất nhỏ nào vi phạm quy định cũng dễ dẫn đến sự cố gây ra ngộ độc thực phẩm. Việc này cũng rất khó khăn vì thực tế vẫn còn tình trạng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguồn nguyên liệu cung cấp, xảy ra khá phổ biến như hiện nay. Thỉnh thoảng, ngành chức năng đã phát hiện bắt giữ hàng tấn thịt thối, chân bò, nội tạng động vật... vận chuyển trên đường đưa đi tiêu thụ! Không ít cơ sở chế biến thực phẩm nhẫn tâm dùng hóa chất ngâm tẩm để biến số thịt, nội tạng hôi thối kia trở thành mặt hàng tươi sống đưa ra thị trường bày bán kiếm lời, bất chấp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Mà người tiêu dùng thì chưa đủ “thông thái” để nhận biết các trò ma mãnh, lừa bịp họ; thế nên rất cần đến các ngành chức năng lưu tâm làm tốt chức trách của mình, tăng cường vai trò quản lý, giám sát, thanh tra chuyên ngành về thực phẩm, giúp người dân an tâm. Các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, nhà hàng, quán tiệm phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa tình trạng xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đây không chỉ là đạo đức, trách nhiệm mà còn là lương tâm nghề nghiệp.

Về công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm nhất thiết phải được duy trì thường xuyên, liên tục và có hiệu quả; không chỉ làm theo đợt cao điểm, tập trung phát động, hô hào là đủ, cần thiết thực, cụ thể. Cũng cần phát hiện, đưa ra xử lý nghiêm, mạnh tay, đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm để làm gương.

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=368
Quay lên trên