Ngôi chùa ghi dấu ấn của thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật: 15-02-2020 | 09:17:57

 Chùa Hội Khánh, nơi đặt Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh, cũng là nơi đã ghi dấu ấn của thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây còn là một danh thắng nổi tiếng mà nói về Bình Dương, chúng ta thường nhắc đến cũng như điểm tham quan, về nguồn cho biết bao thế hệ trẻ.

 Các bạn trẻ tìm hiểu tài liệu về cụ Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Hội Khánh

 Đôi nét về chùa Hội Khánh

Ngôi chùa hiện tọa lạc tại số 29, đường Chùa Hội Khánh (tiếp nối với đường Yersin), phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tỉnh, được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia ngày 7-1-1993. Gần 30 năm qua kể từ ngày được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, chùa Hội Khánh liên tục được trùng tu, xây dựng mới với các công trình tầm cỡ như tượng Phật nhập Niết bàn, trường Trung cấp Phật học, Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh…

Chùa được xây dựng từ thế kỷ XVIII (năm 1741), năm 1861 chùa đã bị giặc Pháp thiêu hủy. Đến năm 1868, chùa được xây dựng lại ở vị trí hiện nay với diện tích xây dựng 1.211m2. Năm 2007, chùa xây dựng thêm ngôi tháp 7 tầng cao 27m và tái tạo lại Phật tích “Tứ động tâm”. Năm 2008, Phật đài quy mô lớn, cao 22m được xây dựng ở khu đất phía trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà chiều dài 64m, ngang 23m dùng làm trường Trung cấp Phật học, thư viện… Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, được khánh thành trọng thể vào ngày rằm tháng 2 năm Canh Dần (30-3-2010), nhân dịp mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tuy được sửa chữa, trùng tu nhiều lần nhưng về cơ bản đây là ngôi chùa hiếm hoi vẫn còn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu. Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật hàng mấy trăm năm được bảo tồn lưu giữ cho đến nay. Hội Khánh còn được xem là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ Bình Dương.

Nói thêm về phần nghệ thuật trang trí nội thất, tranh tượng tự khí thờ phụng được điêu khắc, chạm trổ rất công phu, sắc sảo… Đặc biệt phải kể đến bộ bao lam “thập bát La Hán” (tạo tác năm 1921), bức phù điêu “tứ thời” ốp vào hai cột trước chánh điện. Các bàn thờ chạm trổ tinh vi hoàn thành vào năm Ất Sửu (1925). Chùa Hội Khánh còn giữ được bộ mộc bản in kinh cách đây trên 120 năm. Đại hồng chung của chùa được đúc vào năm Quý Mùi (1883) do bổn đạo Dương Văn Lúa hiến cúng. Từ khi thành lập đến nay chùa đã trải qua 10 vị trụ trì (9 vị đã viên tịch), trong đó không ít vị cao tăng, đạo đức tài năng nổi danh cả Nam bộ.

Tự hào với truyền thống yêu nước

Trong những năm 1923- 1926, chùa Hội Khánh Thủ Dầu Một còn là nơi ẩn náu, quy tụ các nhân sĩ, nhà nho, nhà sư yêu nước cùng lập ra “Hội danh dự” với sự tham gia của chính hòa thượng Từ Văn, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác Hồ), cụ Tú Cúc… mục đích của hội là cổ vũ cho lối sống đề cao đạo đức, coi trọng danh dự và lòng yêu quý đồng bào đất nước. Dù hội chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng đã gây được ảnh hưởng đáng kể.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chùa Hội Khánh là trụ sở Hội Phật giáo cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một, đã góp nhiều công sức tâm huyết kể cả xương máu của các nhà tu, phật tử nhà chùa. Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân địa phương từ năm 1953, chùa là trụ sở Phật giáo yêu nước tỉnh Bình Dương và đến 1983 chùa Hội Khánh là trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương. Năm 1995, Tỉnh hội Phật giáo xây dựng trường Cơ bản Phật học tỉnh Sông Bé nay là trường Trung cấp Phật học Bình Dương.

Cách đây 4 năm, nhân kỷ niệm 86 năm ngày giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cùng Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Hội Khánh đã tổ chức hội thảo và đồng chủ biên cuốn kỷ yếu về thân thế - sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Điều này ý nghĩa vô cùng bởi nhờ tài liệu này, hậu thế biết rõ hơn về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, về thời gian cụ sống và hoạt động cách mạng tại chùa Hội Khánh.

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1826, mất năm 1929. Cuộc đời và nhân cách của cụ mà đặc biệt là lòng yêu nước thương dân đã ảnh hưởng sâu sắc đến người con Nguyễn Tất Thành, để từ đó, người con này biết hy sinh tình nhà lo việc nước, trở thành lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại, vị cha già dân tộc, là danh nhân thế giới mà muôn đời chúng ta cần ca ngợi, học tập và theo tấm gương của Bác.

Một trong những hoạt động văn hóa lớn tại chùa Hội Khánh là năm 2019, Sở VHTT&DL đã phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức lễ giỗ lần thứ 90 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được tổ chức mang tính cộng đồng thiết thực nhằm giáo dục tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, hướng về nguồn cội. Hòa thượng Thích Huệ Thông cũng cho biết đây là một việc làm hết sức ý nghĩa. Lễ cúng thường niên của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lâu nay vẫn được chùa Hội Khánh tổ chức nhưng năm 2019 là năm chẵn, việc làm này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương, Sở VHTT&DL với Di tích quốc gia chùa Hội Khánh. Lễ giỗ với quy mô lớn là một vinh dự, tự hào đối với chùa Hội Khánh cũng như bà con theo tín ngưỡng Phật giáo.

Một điều đáng nói nữa là chùa Hội Khánh - nơi có bàn thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn là một trong những địa chỉ thế hệ trẻ thường đến tìm hiểu, tham quan về lịch sử, văn hóa. Ở đây có thể coi như một di tích quan trọng để các bạn về nguồn. Mỗi năm có nhiều đoàn khách đến viếng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, trong đó đa phần là các bạn trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc tại Bình Dương.

Việc xây dựng, phát triển khu di tích văn hóa chùa Hội Khánh sẽ được tiếp tục tiến hành trong thời gian tới. Rồi đây, ở khuôn viên chùa Hội Khánh sẽ có thêm các công trình văn hóa tâm linh được xây dựng, trong đó có khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Tất cả sẽ làm nên một cụm du lịch tâm linh, văn hóa, lịch sử thật ý nghĩa mà ai ai khi đến Bình Dương cũng muốn ghé qua. Ẩm thủy tri nguyên, ôn cố tri tân là những việc làm ý nghĩa như thế này để những nhân cách lớn, giá trị văn hóa - lịch sử sẽ trường tồn cùng thời gian và ghi thêm một dấu son cho mảnh đất Bình Dương hiền hòa, hội tụ.

 Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương (chùa Hội Khánh) đang đào tạo tăng, ni sinh theo học khóa V (2019-2022). Tăng sinh nội trú tại chùa Hội Khánh và chùa Thiên Chơn. Ni sinh nội trú tại chùa Bồ Đề Đạo Tràng (TP.Thuận An). Đây là nơi giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực tăng, ni kế thừa, gánh vác công tác Phật sự sau này tại các bổn tự.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên