Nếu bạn đang thực sự muốn tìm đến một chốn bình yên để tạm quên đi những bộn bề cuộc sống, hãy thả hồn mình vào những cung đường xanh mát, yên bình từ con đường ĐT744 để tới với chùa Thái Sơn núi Cậu. Nơi đây du khách thoải mái phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn lòng hồ Dầu Tiếng (ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng), rộng lớn, bao la để thấy mình đang được đắm chìm vào xứ sở thiên nhiên kỳ diệu.
Từ TX.Thủ Dầu Một hướng về phía tây bắc, xe chúng tôi bon bon chạy trên con đường ĐT744 suốt hơn một giờ đồng hồ là có thể đến được với thị trấn vùng cao Dầu Tiếng. Trong chuyến “phượt” về miền tây bắc của tỉnh, đẹp nhất vẫn là những đoạn đường có “cánh đồng” cao su bạt ngàn và thẳng tắp rợp bóng hai bên đường. Gió mát rượi, bầu trời trong xanh, nhìn những hàng cây cao su dài và sâu hun hút mà cứ ngỡ như mình đang bị lạc vào khu rừng trong truyện cổ tích huyền ảo. Rồi trung tâm thị trấn cũng dần mở ra trước mắt với khung cảnh nhộn nhịp của buổi chợ sáng, chúng tôi như được tỉnh giấc sau một chuyến đi dài không nghỉ. Trong cái không khí tinh khôi ban mai còn đọng chút hơi sương thì những tiếng chào hàng rôm rả của các chị như khởi đầu cho một ngày mới náo nhiệt.
Du khách vãn cảnh chùa Thái Sơn núi Cậu
Không làm chúng tôi thất vọng, sau khi rong ruổi thêm 9km thì cuối cùng chúng tôi cũng được đặt chân lên vùng đất linh thiêng của núi Cậu, chùa Thái Sơn. Nằm giữa núi rừng hoang dã, chùa Thái Sơn hiện lên như một bức tranh tráng lệ và đầy màu sắc, bởi kiến trúc độc đáo và sử tích lâu đời của núi gắn liền với cái tên “Cậu Bảy”. Trước đây chùa núi Cậu chỉ có một am nhỏ trên đỉnh núi, đường đi còn khó khăn nên đến năm 1988, hòa thượng Thích Đạt Phẩm mới đứng ra xây dựng lại. Chùa có khuôn viên trên 5ha, gồm các công trình đậm chất kiến trúc phương Đông như cổng Tam Quan, Cửu Trùng Đại Tháp cao 36m, tượng Nam Hải Quán Thế Âm Bồ Tát, chính điện, điện Ngọc. Theo lời một “thổ địa” ở đây thì dịp du khách vãn cảnh chùa đông nhất là vào những ngày đầu tháng giêng, các dịp lễ lớn và đặc biệt là các ngày giỗ của Cậu (mùng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch) thì ở đây rất đông khách đến viếng và chiêm bái. Với lối kiến trúc cổ lầu, bên trong chánh điện thầy trụ trì và chư tăng phật tử thường xuyên gõ mõ tụng kinh, ngắm nhìn các bức tượng Phật ở đây được chạm trổ rất công phu và tỉ mỉ nên khu vực này tăng thêm phần linh thiêng tín ngưỡng của du khách thập phương. Một cảm giác yên tĩnh và bình an. Bạn Kỷ (thị trấn Gò Dầu, Tây Ninh) đi cùng nhóm bạn hơn 20 người nhân ngày nghỉ cho biết: “Thi thoảng tụi em thường rủ nhau tới đây chơi, thứ nhất là lên chùa thắp nhang để cầu phúc, sau đó cả hội sẽ rủ nhau tới hồ Dầu Tiếng vừa hóng gió lại có cảnh đẹp để chụp hình lưu niệm nữa. Khí hậu ở đây thật tuyệt vời”.
Rời mảnh đất linh thiêng, chúng tôi lên xe và đi đến một điểm du lịch sinh thái nổi tiếng khác của Dầu Tiếng đó là hồ Dầu Tiếng nằm trên địa phận 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh (huyện Dương Minh Châu, Tân Châu - Tây Ninh và Dầu Tiếng - Bình Dương). Điểm hấp dẫn của hồ là có một dòng suối chảy từ núi Cậu tạo thành 3 hồ nhỏ và tạo thành nhiều thác nước có độ cao từ 2m đến 3m. Vào mùa mưa, những dòng thác này cuồn cuộn chảy, đứng ngoài xa có thể nghe thấy những âm thanh rì rào, có lẽ vì thế mà người dân nơi đây đặt cho nó cái tên là hồ Than Thở. Dãy núi Cậu sừng sững trải dọc bên hồ tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Trong vùng hồ, các đảo Xỉn, đảo Trảng, đảo Đồng Bò là những nét chấm phá của bức tranh hồ Dầu Tiếng. Đứng trên bờ hồ, ta có thể phóng tầm mắt qua bên kia hồ Dầu Tiếng để ngắm ngọn núi Bà Đen, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh đang mời gọi du khách.
Theo tiếng gọi của thiên nhiên, chúng tôi đi mà không hề hẹn trước với vùng đất này và quả thực phong cảnh nơi đây đã níu chân khách phương xa trở lại...
TH.LÊ - T.ANH
Một góc hồ Dầu Tiếng