Người Mông giữ bản sắc truyền thống trên từng mũi thêu

Cập nhật: 11-10-2023 | 10:32:47

Bà Vù Thị Xóa cầm bó lanh đã tước trên tay, tỉ mẩn se lại thành từng sợi dài và mảnh; bà nói: Bộ trang phục truyền thống của người Mông trắng cầu kỳ hay giản dị cũng đều khởi đầu từ những sợi lanh!

Giữa thu, những tràn ruộng bậc thang trên khắp các triền đồi, giữa thung lũng của Sa Pa vàng ruộm màu nắng, gọi nông dân bước vào mùa gặt. Cũng như bao nhà nông vùng cao khác, nhà bà Xóa đổi công gặt lúa với những người cùng thôn. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, bà Xóa bỏ “đồ nghề” ra thêu. Năm nào cũng thế, bà đều đặn tự mình thêu từng đường kim, mũi chỉ để làm những bộ trang phục cho các con, các cháu trong nhà.

Bà Vù Thị Xóa, thôn Nậm Than có thể coi là một trong những “lão làng” có kinh nghiệm nhất trong việc thêu trang phục truyền thống của người Mông trắng ở xã Liên Minh (thị xã Sa Pa). Nghề thêu không phải nghề duy nhất, cũng không phải nghề chính của bà Xóa dùng kiếm sống, nhưng trong cuộc sống hằng ngày bà lại dành rất nhiều tâm huyết, đam mê cho nó. Lòng say mê với nghề thêu trang phục truyền thống đã ngấm vào máu thịt bà từ thủa lọt lòng.

Bà Xóa học thêu từ năm 7 tuổi, đến năm 12 tuổi đã có thể tự may, thêu một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh.

Tại Sa Pa, người Mông trắng tập trung chủ yếu tại thôn Nậm Than, xã Liên Minh, với 148 hộ, hơn 700 nhân khẩu. Cộng đồng người Mông trắng vốn “khiêm tốn” hơn hẳn so với nhóm ngành khác của người Mông. Bởi thế, trang phục của người Mông trắng cũng không được bày bán rộng rãi, dễ tìm, dễ mua như của người Mông hoa, Mông đen. Vì lẽ đó, người Mông trắng thường phải tự thêu trang phục hoặc đặt mua trong cộng đồng của mình. Tại Nậm Than, hầu hết phụ nữ biết thêu hoa văn truyền thống, nhưng số người có thể tự hoàn thiện một bộ trang phục thì không nhiều, chủ yếu đều đã ở lứa tuổi trung niên, cao niên.

Những cô con gái của bà Xóa ai cũng biết thêu, bởi được bà chỉ dạy từ nhỏ. Thấy bà Xóa ngồi thêu và giới thiệu về trang phục truyền thống, cô con gái Út tên Vàng Thị Dương góp vui: Họa tiết này con cũng biết thêu! Bà Xóa liền mắng yêu: Khi nào tự mình làm hoàn chỉnh được một bộ trang phục mới tính là biết thêu!

Trước quan điểm “khắt khe” của người mẹ có số tuổi biết thêu thùa gần bằng tuổi đời, Vàng Thị Dương cười hì hì giải thích với chúng tôi: Chỉ biết thêu họa tiết thì các bà chưa “duyệt” đâu. Mà cũng phải học thêm thật các chị ạ, người trẻ bây giờ chẳng mấy ai giữ được nghề như thời các bà, các cụ. Nếu lớp trẻ không học để giữ nghề truyền thống thì một ngày nào đó người Mông trắng sẽ mất đi trang phục của dân tộc mình đấy!

Điểm khác biệt lớn nhất của người Mông trắng so với các nhóm dân tộc Mông khác là trang phục của phụ nữ, nên việc biết thêu cũng được coi là cái “gốc” đối với phụ nữ. Những cao niên như bà Xóa hoặc lớp trẻ như chị Dương đều mong muốn gìn giữ những nét riêng biệt ấy trên trang phục, để có thể tự hào về dân tộc mình.

Những người thạo nghề như bà Xóa, để thêu hoàn chỉnh một bộ trang phục cần từ 15 đến 30 ngày (chỉ tính thời gian thêu, chưa tính các công đoạn làm vải). Tùy tay nghề mà thời gian, độ tinh xảo trên mỗi bộ trang phục sẽ khác nhau. Theo bà Xóa, nét độc đáo nhất trong trang phục người Mông trắng Sa Pa trước đây là họa tiết thổ cẩm hầu như được thêu trên nền vải lanh chưa nhuộm chàm.

Trang phục truyền thống của nam giới là áo cánh, quần đen đơn giản, còn trang phục nữ giới lại cầu kỳ, nhiều hoa văn. Hoa văn thổ cẩm của người Mông trắng không bắt buộc phải thêu theo những mẫu nhất định mà tùy vào độ khéo tay của người thêu để có thể sáng tạo nên những hoa văn khác nhau.

Chiếc áo truyền thống được làm bằng vải lanh. Thân áo dài hay ngắn tùy thuộc vào thân thể người mặc, thường dài 26 - 30 cm, rộng 40 - 45 cm. Cổ áo khoét hình chữ V, hai vạt áo kéo xuống vắt chéo vào nhau che ngực. Cổ áo phía sau lưng được khâu một bản vải hình chữ nhật có trang trí hoa văn màu trắng, vàng trên nền vải đỏ tạo thành hình hoa bốn cánh và hình hoa tám cánh. Ở đường viền diềm cũng trang trí hình hoa dấu nhân, chủ yếu là màu xanh, trắng, đỏ. Ống tay áo được làm vòng tròn thêu thổ cẩm, mỗi bên cánh tay có các vòng thêu với họa tiết khác nhau xen kẽ, mỗi vòng cách nhau khoảng 5 cm.

Phụ nữ người Mông trắng ở nơi khác thường mặc váy, còn phụ nữ người Mông trắng Sa Pa lại thường mặc quần vải đen, buộc 2 tạp dề ở phía trước và sau lưng, tạp dề được can một dải họa tiết thổ cẩm ở giữa để tạo điểm nhấn. Trong trang phục phụ nữ người Mông trắng không thể thiếu chiếc khăn xếp cuốn thành nhiều vòng như một chiếc mũ lớn, trên đó đính hạt cườm và thêu kim tuyến, chỉ len màu. Khăn được tạo bởi một mảnh vải lanh tự dệt màu trắng dài 2 sải. Cùng cuốn với khăn màu trắng là khăn màu đen, làm bằng vải lanh tự dệt, nhuộm chàm dài 3 sải. Khi cuốn khăn lên đầu, phụ nữ thường cuốn khăn màu đen trước, sau đó cuốn khăn màu trắng ra phía ngoài…

Ngày nay, họa tiết trên từng bộ trang phục phụ nữ Mông trắng được thêu linh hoạt nhiều hình thù, kiểu dáng để phù hợp với các dịp lễ, đám hỏi, đám cưới và đời sống sinh hoạt, lao động. Phụ nữ trẻ thường mặc trang phục hiện đại nhưng vẫn buộc 2 chiếc tạp dề trên bộ trang phục tạo điểm nhấn và để dễ nhận ra đây là người Mông trắng Sa Pa.

Bộ trang phục truyền thống được gìn giữ trở thành một nét văn hóa độc đáo của người Mông trắng Sa Pa. Trước nguy cơ bị mai một, nghề thêu trang phục truyền thống của người Mông trắng tại xã Liên Minh đang được nỗ lực gìn giữ. Các tổ nhóm có cùng sở thích thêu được hình thành, sản phẩm thổ cẩm từ nghề thêu cũng được “biến tấu” thành các món hàng lưu niệm bán cho du khách. Với trách nhiệm “giữ lửa”, chẳng ai bảo ai trong cộng đồng người Mông trắng, thế hệ trước vẫn kiên nhẫn dạy cho thế hệ sau từng đường kim, mũi chỉ.

Theo baolaocai.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=416
Quay lên trên