Kỳ 3: Hành trình gian khổ của Lê Tiến Sỹ
Nhiều năm trước, anh Lê Tiến Sỹ cùng người em trai Lê Thanh Nghị rời quê hương đi xuất khẩu lao động ở Malaysia với ước mơ đổi đời. Trải qua hành trình đầy gian khổ nơi xứ người, giờ đây họ trở thành những ông chủ, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động Việt Nam, Bangladesh ở Malaysia.
Với ý chí sắt đá, anh Lê Tiến Sỹ đã vươn lên làm giàu ở Malaysia và trở thành chỗ dựa cho nhiều lao động Việt Nam tại đây. Ảnh: K.VINH
Bán bò, đi Malaysia
Sinh ra trong một gia đình có 6 anh em ở vùng quê nghèo khó Diễn Châu (Nghệ An), anh Lê Tiến Sỹ đã phải đi phụ hồ, buôn bán kiếm thêm tiền phụ cha mẹ từ năm 13 tuổi. Không ngờ, chính cái nghề phụ hồ ấy đã giúp anh thoát khỏi khốn khổ ở xứ người và vươn lên làm giàu. Năm 2009, sau khi thi không đậu đại học, anh Sỹ xin vào làm ở một công ty gỗ tại Bình Định. Rồi cái nghề đó đưa chân anh dần dần xuôi Nam, làm cho một công ty chế biến gỗ tại Bình Dương.
Đến năm 2006, nghe theo lời của môi giới lao động, anh cùng với người em trai ruột Lê Thanh Nghị quyết định sang Malaysia để mong cải thiện cuộc sống. Để gom đủ số tiền 44 triệu đồng, gia đình anh phải vét hết tiền mặt, bán luôn cả bò trong nhà và cầm cố sổ đỏ. “Những tưởng sang Malaysia sẽ được làm trong công ty gỗ, lương cao như môi giới hứa hẹn nhưng sự thật không phải vậy. Chúng tôi đã trải qua hơn 1.000 ngày sống vô cùng khổ cực trên đất khách”, anh Sỹ nhớ lại.
Thì ra, sang Malaysia hai anh em bị môi giới “bán” cho một quán ăn chay. Phụ việc ở quán này không những cực khổ với mức lương bèo bọt 800 ringgit/tháng (khoảng 4 triệu đồng), họ còn bị chủ đối xử như nô lệ. Anh Sỹ nhớ lại: “Lúc mới sang mình chỉ biết một chút tiếng Anh, nhưng chỉ nghe chứ không nói được. Làm việc vất vả mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm, nhưng buổi sáng ông chủ chỉ cho hai mẩu bánh mì nhỏ xíu, bữa trưa và tối chỉ có hai chén cơm trắng ăn với tương ớt. Đã vậy, ông ta còn thường xuyên chửi và đòi đánh. Có lúc đang ăn, ông chủ bắt phải bỏ dở chén cơm xuống để lau chùi nhà vệ sinh”.
Chính vì bị đối xử tệ bạc nên hai chàng thanh niên lực lưỡng sụt đến gần chục kg chỉ sau 2 tuần. Qua bức bối, hai anh em Sỹ gọi điện cho môi giới xin đổi việc khác nhưng cũng không được. Đến khi tiêu cạn hết số tiền mang từ Việt Nam qua, cả hai gần như tuyệt vọng. “Một lần đi ra đường vào ban đêm, nghe có mấy người nói với nhau bằng tiếng Việt, chúng tôi biết là mình được sống rồi!”, anh Sỹ kể. Sau đó, những người đồng hương này mời về nhà luộc gà cho ăn và gây áp lực buộc môi giới phải đổi việc.
Tuy nhiên, những ngày nô lệ của hai anh em Sỹ chưa hết. Bị công ty môi giới thu giữ hộ chiếu, hai anh phải làm công nhân xây dựng bất hợp pháp với số lương bị “ăn chặn”, chỉ còn 30 ringgit/ngày (150.000 đồng). Đã thế, 2 anh còn bị bỏ đói, bỏ khát thường xuyên và không được hưởng bất kỳ một chế độ đãi ngộ nào, kể cả bảo hiểm y tế. Đó là chuỗi ngày dài kinh hoàng của hai anh em, với hơn 3 năm bị đọa đày thân xác.
Dẫu bị đọa đày khổ sở, nhưng với ý chí sắt đá vươn lên nên cả hai anh không gục ngã. Trong môi trường làm việc tồi tệ ấy, cả hai vẫn quyết tâm học tiếng Anh, tiếng Malaysia và tiếng Hoa để tiếp tục vươn lên. Sau 3 năm bị đọa đày, hợp đồng với công ty môi giới hết cũng là lúc hai anh em được tự do. Từ đây, họ tập hợp nhiều lao động cùng cảnh ngộ, tạo nên đội thợ, mạnh dạn thầu khoán lại các công trình xây dựng lớn ở Malaysia.
Chỗ dựa cho người lao động xa xứ
Làm ăn biết giữ chữ tín, lại chăm chỉ và chịu khó nên hai anh em Nghị - Sỹ dần trở thành những nhà thầu có tiếng ở Klang. Dẫu thế, hành trình vươn lên của anh Sỹ cũng không ít chông gai, trắc trở. Vì là thầu khoán nên công việc của anh bị lệ thuộc vào chủ rất nhiều. Anh Sỹ thừa nhận, ban đầu vì còn non kinh nghiệm quản lý, giao tiếp nên nhiều phen bị chủ thầu lừa quỵt tiền khiến anh nhiều phen lao đao. “Năm 2011, vì tin tưởng chủ thầu nên chúng tôi nhận công trình ở Puchong. Khi bắt tay vào việc thì gặp khó khăn đủ bề do điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, mỗi khi muốn ra đường lớn bắt xe đi mua vật dụng cá nhân phải mất 45 phút đi bộ. Đã thế, làm ròng rã 3 tháng trời nhưng chủ thầu chỉ ứng cho tiền ăn chứ không trả lương, làm chúng tôi khổ sở vô cùng”, anh Sỹ nhớ lại.
Vụ ấy, anh Sỹ mất đứt 220 triệu đồng trả lương cho anh em, bản thân lâm vào cảnh nợ nần; vài tháng sau lại bị quỵt tiền thêm một vụ khác, cũng với số tiền rất lớn. Dù bị mất tiền nhưng quyết không để mất uy tín, anh Sỹ cùng người em trai quyết tâm vay mượn tiền từ bạn bè để củng cố, làm lại. Cũng từ đó, họ luôn giành được những hợp đồng tốt, cuộc sống dần được cải thiện hơn.
Chúng tôi được anh Sỹ mời về nhà riêng tại Klang sau một ngày lao động vất vả. Sau nhiều năm làm việc và xây dựng cuộc sống, giờ cả hai anh em đều đã có vợ, con đề huề, nhà cửa khang trang. Giờ thì hai anh em phụ trách thầu ốp gạch đá cho Pembinaan Prima Indah - một tập đoàn xây dựng có tên tuổi ở Malaysia. Anh Sỹ tâm tình: “Sau bao nhiêu cố gắng và may mắn, kinh tế gia đình mình giờ đã ổn định. Bây giờ chúng tôi làm nhà, mua đất và có tiền gửi ngân hàng ở quê nhà”.
Hiện nay, hai anh em Sỹ không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn là chỗ dựa cho hơn 30 lao động Việt Nam từ quê nhà sang. Đã từng sống ở xứ người với thân phận “nô lệ”, cả hai anh em thấu hiểu nỗi vất vả, cực nhọc của người lao động. Chính vì thế, giúp được ai, làm được gì trong khả năng của mình anh Sỹ đều làm hết khả năng của mình. Ông Xuân Đại (45 tuổi) đến từ Hà Tĩnh, người từng bị cảnh sát Malaysia bắt giam vì nghi là lao động bất hợp pháp cách đây 2 năm và sau đó được anh em Sỹ tiếp nhận, cho biết ông rất biết ơn sự cưu mang của họ. Ngoài ra, người lao động làm việc với hai anh em đều rất cảm kích vì có những ông chủ biết quan tâm, chăm sóc tận tình và trả lương đúng hạn, sòng phẳng.
Những ngày ở Kuala Lumpur, chúng tôi được ông chủ thầu xây dựng Lê Tiến Sỹ chở đi thăm hỏi đồng hương Việt Nam, đến những khu trung tâm vui chơi, giải trí sầm uất ở Kuala Lumpur trên chiếc xe hơi sang trọng. Và những lúc như thế, khi chiếc xe lao đi vun vút trên đường cao tốc hiện đại ở thủ đô Kuala Lumpur, bất chợt chúng tôi lại rùng mình khi nghĩ đến hành trình đầy gian khổ của anh. Chúng tôi rất khâm phục sức phấn đấu vươn lên, thoát phận “nô lệ” của anh em Sỹ và nhiều người lao động Việt Nam khác tại xứ người.
Cổ động viên nhiệt thành
Dù bận bịu công việc nhưng anh Lê Tiến Sỹ là một trong những cổ động viên rất tích cực đối với Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Không chỉ tham dự, cổ vũ cho các đội tuyển bóng đá nam, nữ mà anh cùng vợ con thường xuyên có mặt tại các điểm thi đấu có vận động viên Việt Nam tham gia suốt SEA Games 29. “Hồi xưa còn ở Việt Nam tôi hay đi xem bóng đá lắm, rất thích không khí cuồng nhiệt của V-League hồi đó. Chính vì thế, khi sang đây, mỗi khi có trận đấu nào của Việt Nam là tôi đều cố gắng đi cổ vũ”, anh Sỹ cho biết.
Không chỉ cổ vũ bình thường, anh Sỹ còn tự chế ra các trang phục độc đáo nên khá nổi bật trên khán đài mỗi khi có tuyển U22 Việt Nam thi đấu. Chính vì thế, anh hay lọt vào ống kính của phóng viên Việt Nam cũng như các đài truyền hình trực tiếp. Có lần, chúng tôi còn bắt gặp anh Sỹ mua 9 vé chợ đen để được vào sân Bukit Jalil xem Ánh Viên thi đấu. Hỏi ra mới biết, anh không chỉ mua cho bản thân mà còn mua luôn vé tặng cho cổ động viên Việt Nam.
Kỳ 4: Trái tim nhân ái ở Kuala Lumpur
KHÁNH VINH