Người Việt vươn lên ở Malaysia - Kỳ 4

Cập nhật: 11-09-2017 | 09:35:37

 

 Kỳ 4: Trái tim nhân ái ở Kuala Lumpur

 Một lần, chúng tôi đang ngồi cùng tiệc trà cùng một số đại diện cộng đồng người Việt tại Kuala Lumpur thì ông Lê Quý Quỳnh, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia hỏi: “Anh biết cô Trần Thị Chang không? Cô ta sống ở Malasyia nhưng trái tim cô ấy ở Việt Nam”. Và cũng từ lời giới thiệu của ngài đại sứ, chúng tôi lại được biết đến một trái tim nhân ái Việt Nam ở Kuala Lumpur…

 Chị Trần Thị Chang (giữa) cùng gia đình bệnh nhi Hoàng Mỹ Mỹ sang Viện Tim quốc gia Malaysia chữa trị. Ảnh: M.NGUYỄN

 Trái tim vì cộng đồng

Chị Trần Thị Chang - nhân viên phòng mổ của Bệnh viện Tim quốc gia Malaysia; Phó trưởng Ban liên lạc người Việt Nam tại Malaysia và cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ, được cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia yêu mến, coi chị như một người chị cả. Chị luôn tâm niệm, người Việt dù sống ở đâu cũng phải giữ truyền thống văn hóa Việt; đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và hướng về quê hương.

Cách đây hơn 20 năm, chị Chang rời Việt Nam sang Malaysia làm việc và học tập theo chương trình hợp tác về y tế với nước bạn. Với chuyên môn tốt và khả năng ngoại ngữ khá, chị Chang từng bước chị đã được lãnh đạo Viện Tim quốc gia Malaysia chú ý. Chính vì thế, chỉ sau một thời gian chị đã được viện ký hợp đồng tuyển dụng thành nhân viên chính thức. Nói về chị Chang, bác sĩ SivaKumar - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện cho biết: “Ấn tượng về chị Chang tôi có thể tóm tắt trong một câu là chị ấy cực kỳ nhiệt tình, tốt bụng. Chị còn là người truyền cảm hứng cho mọi người, làm cho chúng tôi thêm tinh thần hăng say, yêu công việc nhiều hơn”.

Điều đáng nói nhất về chị Chang chính là sự giúp đỡ, hỗ trợ hết lòng của chị đối với các bệnh nhân Việt Nam sang Malaysia điều trị cũng như những anh chị em công nhân lao động không may gặp nạn. Hồi cuối tháng 11-2016, tại một công trường xây dựng ở thủ đô Kuala Lumpur đã xảy ra tai nạn thương tâm khiến một công nhân Việt Nam tử nạn và một người khác tên là Lương Văn Nghị quê ở tỉnh Hải Dương bị thương nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Khi biết tin, chị đã kêu gọi một số chị em trong Câu lạc bộ Phụ nữ đến thăm hỏi. Sau đó, họ đã cùng nhau gặp lãnh đạo bệnh viện để tìm hiểu, trao đổi về tình hình và đề nghị bệnh viện cố gắng quan tâm, cứu chữa cho nạn nhân và hỗ trợ những thủ tục về giấy tờ.

Hàng tuần chị đều tranh thủ thời gian đến nơi anh Nghị điều trị để thăm hỏi, đồng thời cũng trực tiếp kiểm tra vết thương và cùng trao đổi với các bác sĩ điều trị để nắm tình hình. Sau khi anh Nghị ra viện, chị Chang ngày nào cũng đến nơi trọ của anh Nghị để trực tiếp thay băng, làm vệ sinh vết thương cho anh. Cũng chính chị đã là người đi cùng nạn nhân và gia đình đến tận sân bay, dặn dò cẩn thận những việc bệnh nhân nên chú ý khi về Việt Nam dưỡng bệnh.

Nghị chỉ là một trong số ít những bệnh nhân là lao động người Việt gặp chuyện không may ở Malaysia được chị Chang cùng Câu lạc bộ Phụ nữ hỗ trợ, giúp đỡ để sớm vượt lên ngịch cảnh, tiếp tục vươn lên tại xứ người. “Người Việt ra nước ngoài gặp khó khăn về khẩu vị ăn uống, ngôn ngữ nhưng đến đây chị Chang trực tiếp phiên dịch, tìm bác sĩ tốt nhất cho mình, thậm chí hàng ngày chị còn nấu cơm cho ăn. Ở nơi đất khách quê nhà được gặp chị là điều mình thấy quá tuyệt vời” - bệnh nhân Lê Văn Hớn (Thanh Hóa) đang chữa trị tại Viện Tim mạch quốc gia Malaysia cho biết.

Mong giúp người nhiều hơn nữa

Viện Tim quốc gia Malaysia nơi chị Chang công tác hàng năm tiếp nhận khoảng 200 trường hợp từ Việt Nam sang điều trị. Chính vì thế, khi biết tin có bệnh nhân đến từ quê nhà, đặc biệt là trẻ em bị bệnh tim, chị đều cố gắng thu xếp để gặp mặt, ít nhất là để động viên thăm hỏi và hỗ trợ cho các bệnh nhân cùng người nhà nắm được tình hình để yên tâm điều trị. Anh Hoàng Cao Hào, cha của bệnh nhân nhi Hoàng Mỹ Mỹ quê Hải Hậu, Nam Định, khi đưa con sang đây điều trị đầu tháng 1-2017 đã rất cảm kích trước sự quan tâm của chị. Vợ chồng anh Hào thường gọi chị là cô và xưng con, như là cách để cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ vô tư và hết lòng của bà đối với con gái anh chị.

Chị Chang cho biết, có những ca mà bệnh nhân không có khả năng chi trả viện phí, chị đã tận dụng hết những mối quen biết của mình cũng như những hiểu biết về quy định liên quan đến việc điều trị của Malaysia để xin bệnh viện miễn phí điều trị cho họ. Nói như chị, “có những trường hợp thương tâm lắm, một mình không có ai, không có tiền, tôi phải cố gắng hết sức để giúp”.

Hiện chị Chang còn được biết đến là “cầu nối” giữa ngành tim mạch hai nước, từng cùng các chuyên gia của bệnh viện về Việt Nam mổ từ thiện, tham dự hội thảo tư vấn về sức khỏe và tim mạch. Chị tâm sự: “Người Việt dù ở đâu cũng hướng về quê hương đất nước và giúp đỡ lẫn nhau khi xa quê hương. Tôi muốn giúp đỡ tất cả mọi người, nhất là những người khó khăn để trở thành cầu nối giữa người ở nước sở tại và trong nước”.

Dù trong suốt 20 năm qua đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp người Việt gặp chuyện không may ở Malaysia nhưng chị Chang vẫn chưa có ý định dừng lại. Với cương vị làm việc của mình, chị mong muốn sẽ giúp đỡ ngày càng nhiều hơn những trường hợp bị bệnh tim bẩm sinh đến từ Việt Nam. Bởi thế, nên chị luôn mong muốn sẽ có thời gian để quay về Việt Nam trong ngày gần nhất và kết nối với các hội từ thiện, quỹ tài trợ mổ tim cho các bệnh nhi trong nước có điều kiện sang Malaysia điều trị.

Trước ngày rời Malaysia về Việt Nam, chúng tôi có dịp gặp lại Đại sứ Lê Quý Quỳnh trong một sự kiện cộng đồng người Việt tại Kuala Lumpur. Nhìn vẻ bận rộn, tất bật làm việc của chị Chang, ông Quỳnh chia sẻ: “Cộng đồng người Việt tại Malaysia ai cũng biết chị Chang cả. Dưới sự lãnh đạo của Đại sứ quán và trên cương vị phụ trách, chị đã góp phần tập hợp bà con để tạo thành tập thể bền vững ngày càng phát triển như hiện nay, vận động bà con hướng về quê hương đất nước. Chị đóng một vai trò quan trọng trong việc trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là về y tế. Chúng tôi mong chị tiếp tục truyền lửa cho bà con nơi đây ”.

 Mong được kết nối với “Trái tim Hằng Hữu”

Số lượng người Việt ở Malaysia ngày càng tăng theo thời gian. Đa phần là công nhân lao động với mức lương còn thấp nên cuộc sống còn gặp khó khăn. Do vậy, trên cương vị lãnh đạo Ban liên lạc và Câu lạc bộ Phụ nữ, chị Chang cùng tập thể tổ chức nhiều hoạt động để mọi người có điều kiện liên lạc, giúp đỡ lẫn nhau, duy trì các hoạt động của người Việt như: Tổ chức ngày Tết cộng đồng dịp Tết cổ truyền, Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc tế phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 và Tết Trung thu cho các cháu.

Trăn trở làm cách nào để xây dựng cộng đồng người Việt giúp đỡ lẫn nhau, hướng về quê hương, chị Trần Thị Chang luôn là người làm gương, đi đầu trong các hoạt động. Biết chị làm ngành y và sẵn sàng giúp đỡ nên nhiều người không ngần ngại gọi điện mỗi khi cần tư vấn hoặc trợ giúp.

Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của chị trong đợt về Việt Nam sắp tới lại chính là việc lên Bình Dương để tìm gặp ông Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam. “Trong số các quỹ mổ tim trong nước, tôi rất mong muốn có một cầu nối để liên kết với Quỹ “Trái tim Hằng Hữu” nhằm tìm kiếm cơ hội mang lại những tiến bộ y khoa tốt nhất cho bệnh nhi Việt Nam. Qua các phương tiện truyền thông, tôi nhận thấy ông Dũng cũng tâm huyết với vấn đề này nên chắc chắn tôi sẽ tìm gặp ông ấy trong thời gian gần nhất” - chị Chang chia sẻ ước muốn của mình.

Kỳ 5: Nữ doanh nhân đến từ đất Thủ

LÝ KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=805
Quay lên trên