Nguyên tiêu nhớ về thi tướng rừng xanh

Cập nhật: 27-02-2021 | 05:54:29

 “Ai về xứ Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Đó là bốn câu tuyệt bút của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trong bài thơ “Nhớ Bắc” thường được các thi hữu gần xa diễn ngâm vào mỗi dịp Tết Nguyên tiêu.

 Nhà lưu niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và mộ phần thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trong khu tưởng niệm

 Thi tướng rừng xanh

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ sinh ngày 2-2-1914 tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) trong một gia đình nghèo, giàu nghĩa khí. Cha là ông Huỳnh Văn Tờn, từng học võ và biết chữ Nho. Thân mẫu ông là bà Đoàn Thị Hiển, sinh năm Canh Thìn (năm 1880), làm nghề gánh hàng bán cau khô, vải…

Huỳnh Văn Nghệ là con thứ 7 trong gia đình có 9 người con (hiện nay còn 5 người) nên còn gọi là Tám Nghệ. Tuy nhà nghèo, nhưng ông được hưởng một nền giáo dục rất tốt, được cha dạy dỗ căn bản cả văn lẫn võ, được gia đình chăm lo ăn học đến nơi đến chốn. Ông được nhận học bổng của trường Trung học Pétrus Ký Sài Gòn và sớm được giác ngộ, tham gia các hoạt động cách mạng. Bắt đầu từ những năm 1936-1939, ông tham gia phong trào Ðông Dương đại hội ở Sở Xe lửa Sài Gòn, tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, sang Thái Lan hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước và tổ chức xuất bản tờ báo Hồn Cố hương, kêu gọi tinh thần yêu nước hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng của kiều bào.

Năm 1944, ông trở về nước, lập khu nghĩa quân Ðất Cuốc tại Tân Uyên, được kết nạp Ðảng, lập Ðoàn Cựu binh sĩ và tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, trực tiếp chỉ huy cướp chính quyền ở Biên Hòa rồi làm Chỉ huy trưởng lực lượng giải phóng quân Biên Hòa, chỉ huy nhiều trận đánh lớn, nhận nhiệm vụ Khu phó Khu VII kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 310. Tháng 7-1948, ông là Khu trưởng Khu VII, tham gia thành lập bộ đội chủ lực Khu (Bộ đội 303).

Năm 1950, sau khi sáp nhập Sài Gòn - Chợ Lớn vào Khu VII, ông trở thành Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Khu, đồng thời là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiêm Tỉnh đội trưởng Thủ Biên, chỉ huy nhiều trận đánh lớn bảo vệ Bộ Tư lệnh Nam bộ đóng ở chiến khu Ð. Tháng 5-1953, ông được cử ra Bắc học tập và tiếp tục công tác trong quân đội với hàm Thượng tá, Trưởng phòng Thể dục thể thao, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam…

Năm 1965, ông được điều trở về Nam bộ, lần lượt giữ các cương vị: Trưởng ban Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Phó Bí thư Ðảng ủy Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Phó ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban Lâm nghiệp Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông là Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam, Thứ trưởng Lâm nghiệp. Ngày 5-3-1977, ông lâm bệnh nặng và mất tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.Hồ Chí Minh, thọ 63 tuổi. Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Về thăm khu tưởng niệm thi tướng

Có dịp đến thăm Khu tưởng niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ mới thấy được những ân tình mà người dân địa phương dành cho vị thi tướng này vẫn mãi ấm nồng. Khu tưởng niệm xây trong khuôn viên xinh đẹp, gồm nhà lưu niệm, mộ phần thi tướng và gia đình, phù điêu tượng thi tướng…

Phía bên trong nhà lưu niệm, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những hình ảnh và hiện vật của thi tướng. Nhà lưu niệm được xây dựng gồm 2 tầng: Tầng trên là phần thờ tự bày biện theo truyền thống Việt Nam. Tầng dưới được trưng bày ảnh và hiện vật của thi tướng. Qua hình ảnh, những tấm ảnh đã ố mờ theo thời gian, có thể biết phần nào về những chặng đường đời oanh liệt của ông: Tổ chức chiến khu từ năm 1944 ở quê nhà Tân Uyên, tổ chức khởi nghĩa tháng 8-1945, trực tiếp bắt sống những kẻ cầm đầu chính quyền cũ, những tên Việt gian sừng sỏ. Nhờ lập nhiều chiến công xuất sắc, tháng 5-1946 Tư lệnh Quân đội Nam bộ là Trung tướng Nguyễn Bình phong ông làm Chi đội trưởng Chi đội 10. Rồi sau đó lần lượt làm Khu bộ phó Khu bộ 7 miền Đông Nam bộ, rồi Khu trưởng Khu 7 kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu 7.

Bà Nguyễn Thị An Kim, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Tân Uyên cho biết, ghi nhớ công lao vị thi tướng lỗi lạc này, hàng năm, Bình Dương và Đồng Nai đều tổ chức lễ giỗ ông rất trang trọng. Vào trước ngày giỗ thi tướng (16 tháng giêng, âm lịch), đơn vị đều tổ chức dọn dẹp vệ sinh khuôn viên khu tưởng niệm và biểu diễn chương trình văn nghệ phục vụ. Ngoài ra, trường THPT Thường Tân thường cũng xuyên tổ chức hội trại truyền thống tại đây, xem nơi đây là một địa chỉ đỏ để giáo dục về truyền thống cách mạng của địa phương. Huyện đoàn Bắc Tân Uyên cũng tổ chức các hoạt động về nguồn, thắp nến tri ân, nghe nói chuyện ôn lại truyền thống, về thân thế và sự nghiệp cách mạng đầy hào hùng của thi tướng. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lễ giỗ thi tướng chỉ tổ chức nhỏ gọn trong phạm vi gia đình.

Theo nhạc sĩ Võ Đông Điền, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, ở Bình Dương có đường Huỳnh Văn Nghệ, một ngôi trường ở TX.Tân Uyên cũng mang tên ông và riêng hoạt động văn học nghệ thuật có giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ được tổ chức 5 năm một lần dành cho văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia. Đây là giải thưởng lớn của UBND tỉnh, ủy nhiệm cho Hội Văn học - Nghệ thuật là thường trực ban tổ chức, có hội đồng giám khảo chấm điểm, trao giải từng thể loại.

Giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI được phát động từ tháng 1-2016 đến ngày 30-9-2020, thu hút 172 tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia với 2.337 tác phẩm. Ban giám khảo đã tiến hành xét duyệt và thẩm định tác phẩm. Trong đó, có 46 tác phẩm của 45 tác giả được đề xuất khen thưởng. Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra trong tháng 3-2021, nhưng vì tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên các giải thưởng sẽ được chuyển qua tài khoản và đường bưu điện cho các tác giả.

 Ngoài một số vật dụng, đồ dùng ít ỏi còn lưu giữ được, nhà tưởng niệm thi tướng Huỳnh Văn Nghệ còn bày bút tích thi nhân qua các cuốn sổ tay, ghi chép. Nhờ thế có thể thấy bản gốc bài thơ ta quen với đầu đề: Nhớ Bắc, trong sổ ghi là: Tiễn bạn về Bắc, cuối bài ghi rõ: Ga Sài Gòn 1940.

 MINH HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1093
Quay lên trên