Nhà báo và những suy ngẫm-Bài 5

Cập nhật: 19-06-2015 | 10:05:16

Bài 5: Nhà báo Quỳnh Như: “Tình nghệ sĩ” thật đáng trân trọng

Trước đây, tôi được biết và gặp chị vài lần khi chị đi viết loạt bài Tiếng hát Người cao tuổi khu vực Đông Nam bộ - một chương trình do BTV thực hiện. Sau này, chúng tôi lại là đồng nghiệp của nhau ở Báo Bình Dương. Chị Trần Thị Quỳnh Như là người “vừa viết văn, vừa làm báo” như nhiều người giới thiệu. Ở bài này, xin được nói đến “con người viết văn” của chị… 

Nhà báo Quỳnh Như (áo dài) nhận giải thưởng của Hội VHNT tỉnh

Chị Trần Quỳnh Như sinh năm 1973, quê ở Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Huế năm 1996, chị “hành phương Nam”, đầu quân vào Báo Bà Rịa - Vũng Tàu và làm việc tại đó từ 1996-2000. Sau gần 4 năm gắn bó với xứ biển hiền hòa, năm 2000, vì cuộc sống gia đình, chị chuyển công tác về Báo Bình Dương cho đến nay. Cùng thời gian công tác báo chí, chị còn là hội viên Hội Văn học nghệ thuật ở hai địa phương này.

“Dù là học sinh chuyên văn sau đó theo chuyên ngành ngữ văn, nhưng tôi luôn nghĩ, nhà văn là một con người vĩ đại, cao quý và tất nhiên là khó lắm! Cho đến một hôm, tạp văn “Đèn dầu” nói về những đứa trẻ ở quê học bài dưới đèn dầu leo lắt, nói về nỗi nhớ của tuổi mới biết yêu và một số bài khác đăng trên Áo trắng thì tôi... mơ hồ rằng mình sẽ viết văn! Nhưng thật khó. Quanh quẩn mãi cũng hết chuyện. Thế là thôi luôn, lo học. Nhưng rồi tôi bất ngờ nhận được thư viết tay của nhà văn Đoàn Thạch Biền, anh động viên tôi viết tiếp và nhận xét khá kỹ lưỡng từng bài của tôi. Thật không thể tin được một nhà văn lại… viết thư cho mình! Đó, cái tình của văn nghệ sĩ là ở chỗ, họ luôn khích lệ đàn em viết nên những suy nghĩ của mình. Bản thân tôi sau này ít… thần tượng hóa nhà văn nhà thơ hơn khi có dịp đi viết bài về họ hoặc chuyện trò cùng họ cũng nhờ sự chân tình này” - chị Quỳnh Như chia sẻ.

Sau khi ra trường, truyện ngắn của chị tiếp tục có mặt trên các báo Tuổi Trẻ, Phụ Nữ TP.HCM, Bình Dương, Tạp chí Văn học - Nghệ thuật Bình Dương… Truyện của Quỳnh Như là những lát cắt của cuộc sống, những buồn vui thế thái nhân tình, là hoài niệm về những chuyến tàu năm tháng… Tất cả được chị thể hiện bằng giọng văn chân chất, nhưng đôi khi chợt thấy nhói lòng. Gần 19 năm gắn bó nghề báo, ngay từ khi làm việc ở Báo Bà Rịa -Vũng Tàu cho đến khi về Báo Bình Dương chị là cây bút chuyên sâu mảng xã hội, hôn nhân gia đình. Song song với làm báo, Quỳnh Như còn sáng tác truyện ngắn. Năm 2011, chị cho xuất bản tập truyện ngắn - tạp văn đầu tay của mình, tập hợp những truyện ngắn của chị từ khi bắt đầu viết. Trước đó, chị cũng đã có tác phẩm in chung cùng hai tác giả nữ nhà văn của Bình Dương (2006). Những truyện ngắn tiêu biểu của chị có thể kể đến như: Không tình yêu, Gom cùi bắp cho bò, Nhớ cau… Nội dung là những trăn trở về tình yêu, về cuộc sống hay hoài niệm về một thời dĩ vãng… Về mảng văn học, chị từng được trao giải C cuộc thi thơ, truyện ngắn Bà Rịa - Vũng Tàu năm 1997- 1999; giải khuyến khích Văn học Nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ (Bình Dương) năm 2010.

Nói về cái duyên viết văn, chị Quỳnh Như cho rằng, chị may mắn có nhiều người bậc thầy về viết lách như cố nhà văn Xuân Sách, tác giả tiểu thuyết “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”, là tác giả phần lời của các ca khúc nổi tiếng “Đường chúng ta đi”, “Cùng anh tiến quân trên đường dài”… chỉ bày cho nhiều điều. “Những năm 1996, 1997, nhà văn Xuân Sách ở TP.Vũng Tàu. Những truyện ngắn đầu tay của tôi như Không tình yêu, Kiếm sống… tôi rụt rè đưa cho ông đọc. Tưởng là sẽ không có hồi âm, nào ngờ được ông khen! Ông còn động viên phải viết nhiều, viết truyện ngắn còn để khắc họa những cuộc đời mà mình có duyên gặp được. Dù rằng, viết văn là công việc vất vả, là viết cả… rừng, nhưng chỉ lẩy ra được có một cây gỗ quý thôi thì cũng nên làm”, chị Quỳnh Như chia sẻ.

Và còn nữa những đàn anh trong giới văn nghệ sĩ luôn động viên chị viết văn. Đó là anh Trần Bình Dương nay đã mất, chú Nguyễn Hiếu Học, anh Võ Đông Điền. Nói như nhà văn Trần Đức Tiến là: “Cứ viết đi để đến một lúc nào đó, không thích làm báo thì bật máy lên, tự viết về những điều mình nghĩ, chẳng thú vị sao?”. Nhờ những tấm chân tình của người nghệ sĩ này, chị sẽ viết tiếp bởi sức hút của văn chương dường như vẫn còn nguyên vẹn…

Bài cuối: Biên tập viên Hoàng Thư: Nghề báo là một duyên nợ

 CÔNG DANH

Chia sẻ bài viết
đọc qua bài báo này thật sự cảm động trước cái tình của các đồng nghiệp và sự động viên chân thành đã nâng đỡ nhau cùng nhau cầm vững bút trên tay để cùng nhau tô thắm cho đời những nét bút quý giá đáng trân trọng. Chúc các nhà báo luôn vững bước trên con đường mình đã chọn. Chúc các cô các chú, các anh chị sức khỏe và ngày càng có nhiều tác phẩm hay.
Hoa Mai (Cách đây 8 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=745
Quay lên trên