Nhà báo và những suy ngẫm - Bài cuối

Cập nhật: 20-06-2015 | 09:06:16

 LTS: Đồng chí Xuân Thủy (1912-1985) là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam 2 nhiệm kỳ đầu. Với cương vị là Bí thư Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khi về dự Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước) ông đã có bài thơ “Sông Bé”. Xin trân trọng giới thiệu:

Sông Bé

Sông thì Bé tiếng thì to,

Miền Đông anh dũng cao su bạt ngàn.

Pháp vào Pháp đã tiêu tan,

Mỹ vào Mỹ cũng kinh hoàng rút lui.

Cha con Pôn Pốt tơi bời,

Hỡi quân xâm lược đáng đời bây không.

Việt Nam biết mấy anh hùng,

Một con sông Bé, một vùng nổi danh.

Từ trong hoang rậm tan tành,

Mà xây xã hội đã thành vui tươi.

Gặp nhau tay bắt miệng cười,

Nhớ câu đoàn kết nhớ lời nước non!

 

 Bài cuối: Biên tập viên Hoàng Thư: Nghề báo là một duyên nợ

 “Đam mê và nhiệt huyết trong công việc. Lạc quan và nhanh nhẹn ứng phó trong mọi hoàn cảnh. Vui vẻ và có nhiều tài lẻ...”. Đó là những nhận xét tích cực của đồng nghiệp khi nói về Hoàng Thư (ảnh) - biên tập viên, đồng thời là người dẫn chương trình quen thuộc trên sóng phát thanh và truyền hình (PT-TH) Bình Dương.

 Hoàng Thư bén duyên với PT-TH từ rất sớm. Hồi tiểu học, anh đã cộng tác với Đài PT-TH Sông Bé trong chương trình Phát thanh Măng non đều đặn mỗi tuần một số. Nhưng vì lý do sức khỏe, sau hơn một năm anh xin nghỉ.

Với thành tích giải nhất kỳ thi học sinh giỏi văn tỉnh và giải ba thi học sinh giỏi văn toàn quốc, năm 1997, anh được tuyển thẳng vào khoa Ngữ văn - Báo chí trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM và chính thức bắt đầu nối lại duyên với nghề báo. Năm 1999, khi học hết năm thứ hai đại học, sau một tháng cộng tác với Đài PT-TH Bình Dương, anh đã chính thức lên sóng truyền hình với chương trình “Âm nhạc dân tộc”.

Giải thích lý do chọn nghề báo mà không phải là một ngành nghề nào khác, anh kể: “Thật ra ước mơ từ hồi còn đi học là làm thầy giáo dạy văn. Khi nhận được quyết định tuyển thẳng thì sẽ lựa chọn một trường ĐH trong khối C, cứ phân vân giữa ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và ĐH Sư phạm. Nhờ bạn bè tư vấn, cảm thấy mình có năng khiếu và đam mê PT-TH nên cuối cùng, mình quyết định chọn ngành báo chí”. Theo Hoàng Thư, may mắn là từ nhỏ tới giờ, ba mẹ luôn ủng hộ và tôn trọng con đường anh đã chọn. Có lẽ đây chính là chỗ dựa vững chắc và là động lực tinh thần cho biên tập viên Hoàng Thư theo đuổi đam mê, được làm những gì mình thích và cống hiến hết mình cho nghề.

Theo Hoàng Thư, sau 15 năm trong nghề, anh nhận được khá nhiều trải nghiệm: “Về mảng phóng viên truyền hình, khi đi thực tế hiện trường hoặc phim tài liệu, phải biết ơn những nhân vật trong chương trình của mình, chính những người đó đã làm cho tác phẩm phóng sự, phim tài liệu hay, chất lượng và sống động hơn”. Tôi nghĩ bằng cái tâm của người làm báo và nhân sinh quan tích cực, Hoàng Thư mới đồng cảm và có sự nhìn nhận sâu sắc về cuộc sống như vậy.

Đối với công việc dẫn chương trình, Hoàng Thư cho biết đây là mảng đem đến cho anh nhiều trải nghiệm. Thứ nhất, nó giúp cho mình thuận tiện hơn trong mối quan hệ xã hội. Thứ hai, chính việc mình là người của công chúng, giúp điều chỉnh cuộc sống theo hướng tích cực hơn và giữ hình ảnh của mình tươm tất, lịch sự. Đó cũng là một cách giúp cho con người mình sống tốt hơn. Nghe Hoàng Thư chia sẻ, tôi bất ngờ hơn khi anh còn là giảng viên thỉnh giảng tại hai trường ĐH là ĐH Quốc tế Hồng Bàng và ĐH Quốc tế Miền Đông.

Chia sẻ về bí quyết thành công, Thư nói rằng: “Muốn vững nghề, phải học và tự học thật nhiều”. Thật vậy, để có được thành công và một chỗ đứng nhất định trong nghề, Hoàng Thư cho biết trong suốt 4 năm học ĐH, anh dành thời gian để học rất nhiều. Không chỉ học tiếng Anh, tin học mà phải học các kỹ năng nghiệp vụ khác nhau như học dẫn chương trình, lồng tiếng, thư ký văn phòng…

Với kinh nghiệm của một đàn anh trong nghề, anh đưa ra lời khuyên chân tình với các bạn trẻ: “Việc học PT-TH tại trường giống như mình đang ở một dòng sông nhỏ, lúc bước vào làm việc như đại dương, sẽ dễ cảm thấy bị choáng ngộp. Vậy điều tiên quyết mà có thể nắm vững công việc là mình phải tự học. Lĩnh vực truyền hình có đặc thù riêng, nó mới mẻ, thay đổi và phát triển mỗi ngày khác nhau. Nó liên quan đến kỹ thuật, hình ảnh và âm thanh. Người làm trong lĩnh vực này, phải nỗ lực nhiều…”.

Để thực hiện chương trình “Bình Dương ngày mới”, biên tập phải làm việc từ đêm hôm trước để biên dịch, lồng tiếng. Phát thanh viên phải dậy từ 4 giờ sáng có mặt ở đài trước 1 tiếng để hóa trang, xem kịch bản chương trình để bắt đầu trực tiếp lúc 6 giờ sáng. Trước hàng triệu khán giả, người dẫn chương trình phải tập trung để không đọc vấp. “Ở bên ngoài nhìn vào những người làm lĩnh vực PT-TH có vẻ hào nhoáng. Nhưng bên cạnh đó, người ta chưa hiểu hết được sự gian nan, vất vả của người biên tập và dẫn chương trình”, Hoàng Thư trải lòng sau ánh đèn trường quay.

 SONG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên