Bình Dương từ lâu đã được biết đến với lịch sử phát triển lâu đời. Những ngôi nhà cổ trên đất Thủ - Bình Dương vẫn còn tồn tại, lưu giữ đến hôm nay là một phần minh chứng cho sự phát triển ấy. Nhà cổ ông Trần Công Vàng là một trong những di tích đã được công nhận cấp quốc gia. Với thời gian tồn tại hơn 120 năm, đây được xem là ngôi nhà cổ xưa bậc nhất trên đất Bình Dương...
Tuổi trẻ Bình Dương tìm hiểu về di tích nhà cổ ông Trần Công Vàng
Tìm về nét xưa
Nếu có dịp về với Bình Dương, bạn hãy làm một tour du lịch thăm lại những ngôi nhà cổ để có dịp tìm hiểu thêm những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, văn hóa ban đầu đang được lưu giữ trong những ngôi nhà cổ kính này. Nói đến nhà cổ trên đất Bình Dương, không thể không nói đến nhà cổ ông Trần Công Vàng. Đây là một trong những di tích nhà cổ có lối kiến trúc gỗ độc đáo, hiếm hoi còn lưu giữ tương đối nguyên vẹn trên đất Thủ - Bình Dương ngày nay.
Qua giới thiệu ban đầu của cán bộ hướng dẫn di tích Bảo tàng tỉnh, lần theo sự gọi mời hấp dẫn của những giá trị nghệ thuật còn lưu giữ nơi đây, chúng tôi tìm đến di tích nhà cổ ông Trần Công Vàng. Di tích tọa lạc tại số 21 đường Ngô Tùng Châu, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Dù nghé thăm không báo trước, nhưng khi đến đây chúng tôi đã được chủ nhà là chị Trần Thị Ánh Tuyết đón tiếp, giới thiệu hết sức nhiệt tình.
Chị Trần Thị Ánh Tuyết là con gái của ông Trần Công Vàng, đời thứ 5 tiếp quản, giữ gìn ngôi nhà do tổ tiên để lại. Qua giới thiệu của chị, ngôi nhà do ông Trần Văn Long xây dựng từ năm 1889-1892, sau đó đến đời ông Trần Công Bình, ông Trần Công Cần, ông Trần Công Vàng và đến năm 1986, ba chị là ông Trần Công Vàng đã giao lại cho chị. Mặc dù vậy, những quyết định lớn liên quan đến ngôi nhà vẫn do ba chị quyết định. Vì thế, khi được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1993, di tích vẫn lấy tên là di tích nhà cổ ông Trần Công Vàng (ông mất năm 1999).
Từ cổng bước vào, nhìn bao quát bên ngoài chúng ta sẽ thấy ngôi nhà cổ hiện ra đơn sơ, với mái ngói âm dương rêu phong trầm mặc. Điều hấp dẫn, thu hút mọi người là khi cánh cửa ngôi nhà mở ra, ai cũng phải trầm trồ, ngạc nhiên trước những đường nét nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, những nét văn hóa đang được lưu giữ trong ngôi nhà này. Nhà được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Đinh nghịch (tức phần nhà ngang nằm bên trái nhà trên, thay vì nằm bên phải như thường lệ). Toàn bộ kết cấu ngôi nhà đều làm bằng gỗ, với nhiều loại gỗ quý, như: Sao, cẩm lai, quỳnh đường, mun… Đặc biệt là toàn bộ ngôi nhà được lắp ráp, kết dính với nhau bằng hệ thống mộng gỗ, hoàn toàn không sử dụng đến một chiếc đinh sắt nào cả nhưng vẫn rất vững chắc. Đây cũng là điều chứng minh rằng, tay nghề của các nghệ nhân của đất Bình Dương xưa đã đạt đến một trình độ kỹ thuật rất cao.
Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật mà ngôi nhà còn lưu giữ được, năm 1993, nhà cổ ông Trần Công Vàng đã được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Giá trị kiến trúc nghệ thuật xưa
Vào bên trong ngôi nhà, chúng ta sẽ thấy rõ toàn bộ nội thất được bày biện, trang trí theo phong cách cổ truyền của gia đình người Việt. Những đường nét, hình ảnh chạm khắc trong ngôi nhà, từ chân cột đến mái nhà, bàn ghế, tủ thờ, các khung cửa hay những bức hoành phi, liễn đối, bao lam, những bức tranh tứ bình, những tấm thủ quyền… đã được bàn tay khéo léo của những nghệ nhân chạm trổ, sơn thếp, cẩn xà cừ hết sức công phu, khéo léo. Theo những người đã nghiên cứu về nhà cổ ông Trần Công Vàng, để tạo nên những giá trị kiến trúc - nghệ thuật đặc sắc trên là có sự kết hợp giữa những nghệ nhân đến từ miền Trung và nghệ nhân của đất Bình Dương. Cuối thế kỷ XIX, nghề gỗ ở Bình Dương phát triển hưng thịnh hơn bao giờ hết. Lúc đó, nhiều nghệ nhân ở miền Trung đã tìm đến vùng “đất lành chim đậu” này để lập nghiệp. Họ đã kết hợp với những nghệ nhân bản địa xây dựng nên những ngôi nhà bằng gỗ có giá trị cao về mặt mỹ thuật, trong đó có nhà cổ ông Trần Công Vàng.
Nhà cổ ông Trần Công Vàng gồm nhà trên và nhà dưới. Nhà trên được xây dựng theo kết cấu 5 gian 2 chái, phân bố thành nhiều phần khác nhau, trong đó các phần thờ phụng, tiếp khách, các buồng để ở và buồng để chứa đồ đạc. Phần thờ phụng chiếm ba gian giữa, bố trí theo nguyên tắc: Gian bên trái thờ cha mẹ chủ nhà, bên phải thờ ông bà, ở giữa thờ gia tiên. Mỗi bàn thờ gồm tủ thờ cẩn xà cừ, bên trên là đồ ngũ sự, bên trong là bài vị hoặc chân dung người quá cố, sát vách lụa là bức thờ, bên trên có bài châm, câu đối, đầu bức thờ có chạm “Lưỡng long tranh châu” và tấm thủ quyển. Hai gian hai bên là phòng ngủ, phía sau vách thờ là dãy buồng chứa đựng đồ đạc. Trên các bàn thờ là những trang thờ có đặt các bài vị, đề quan thánh đế quân, thổ công, đông trù, tư mệnh, phước đức thánh thần, tài thần.
Một góc bên trong nhà cổ ông Trần Công Vàng
Phần tiếp khách gồm hai lòng căn (từ hàng cột thứ hai đến hàng cột thứ tư). Ở hai gian giữa đặt một bàn tròn lớn để tiếp khách, mặt bàn lót đá cẩm thạch, trên bàn đặt giá cắm bát bửu (tám món binh khí cổ), xung quanh bàn đặt ghế có chạm trổ tinh vi và giàu ý nghĩa tượng trưng. Hai bên bàn tròn là những bàn hình chữ nhật, đóng theo kiểu ghế chân ngai, cũng đặt ghế có kiểu giống như những ghế ở bàn tròn lớn. Hai gian đầu bên ngoài đặt hai bàn hình xoài, xung quanh đặt ghế tựa thường, kiểu hiện nay. Tất cả các bàn ghế ở đây đều làm bằng gỗ quý.
Ngôi nhà còn có một điểm đáng chú ý nữa là hành lang nội bọc quanh phần thờ tự và được giới hạn bởi một bên là vách ván ngăn cách với phần thờ tự, một bên là tường bao bọc bên ngoài. Hành lang này giúp liên thông giữa nhà khách và buồng sau nhà mà không phải băng ngang phần thờ tự.
Ngoài nhà trên, trong khuôn viên di tích còn có một nhà ngang (nhà dưới). Đây là nơi sinh hoạt thường ngày của gia đình chủ nhà. Nhà dưới cũng được cất theo lối xuyên trính, nhưng đơn giản hơn nhà trên. Nhà có hai gian: Gian thứ nhất ở phía đầu hồi đi, là nơi sinh hoạt thường ngày. Gian cuối là buồng ngủ của con cái. Phía sau là nhà bếp. Phía trước nhà ngang là nhà để xe.
Theo những nhà nghiên cứu, ngoài những giá trị về mặt điêu khắc, chạm trổ, nhà cổ ông Trần Công Vàng là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của người xưa. Trong ngôi nhà, vẫn còn bài trí nhiều cặp liễn đối chữ Hán rất ý nghĩa về văn hóa, nói lên quan niệm sống của người xưa, như: “Xử thế vật kiêu nhân. Tu thân nghi thiết kỷ” (tạm dịch: Trong giao tiếp chớ ngạo nghễ với người. Trong tu thân phải nghiêm túc với mình) hoặc: “Hiếu để truyền gia viễn. Thi thư kế thế trường” (tạm dịch: Hiếu để truyền mãi trong nhà. Thi thư đời đời nối nghiệp)…
Với gần 130 năm tồn tại, di tích nhà cổ ông Trần Công Vàng là một trong những di tích có giá trị lớn về mặt kiến trúc nghệ thuật còn tồn tại trên đất Bình Dương hôm nay. Sau khi được công nhận là di tích cấp quốc gia, nhà cổ ông Trần Công Vàng đã được nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu, sửa chữa lớn vào năm 2005. Hàng năm, với sự quan tâm của ngành văn hóa, di tích đều được xử lý mối mọt theo định kỳ. Để phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của mọi người, di tích vẫn mở cửa thường xuyên. Theo chị Ánh Tuyết, mặc dù lượng khách đến với di tích chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, nhưng hàng năm chị cũng tiếp đón rất nhiều người đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu; trong đó có nhiều bạn đoàn viên thanh niên, sinh viên, các nhà nghiên cứu, người dân muốn tham khảo thêm về lối xây dựng nhà cổ và cả người nước ngoài đến tìm hiểu về kiến trúc nghệ thuật.
CẨM LÝ