Sau hơn 4 tháng ròng rã với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đến thời điểm này có thể khẳng định dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được khống chế. Dù dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống, sức khỏe, tính mạng của người dân nhưng cuối cùng chúng ta cũng đã trụ vững, vượt qua khó khăn và vững tin tiếp bước trên hành trình trở lại cuộc sống “bình thường mới”.
Mấy ngày qua, khi có thông báo nới lỏng giãn cách xã hội, người dân rất phấn khởi, cuộc sống cũng dần trở lại nhịp sống bình thường. Trên khắp các tuyến đường, từ phố thị đến nông thôn đã bắt đầu nhộn nhịp. Lượng người ra đường đã đông hơn nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Tại các chốt cửa ngõ của tỉnh, lực lượng chức năng vẫn duy trì chặt chẽ việc kiểm soát người và phương tiện qua lại. Tuy nhiên đã xảy ra hiện tượng người dân, công nhân, người lao động tự phát về quê, nguyên nhân do thông tin, nhận thức chưa đầy đủ. Sau khi được lực lượng chức năng vận động, thuyết phục, họ đã yên tâm trở lại.
Đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 diễn biến rất phức tạp, tác động không nhỏ tới mọi mặt đời sống của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh và các địa phương đã tập trung chỉ đạo công đoàn thực hiện nhất quán, xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”, kiên định thực hiện “mục tiêu kép”. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.
Đến thời điểm này, Bình Dương cơ bản kiểm soát dịch bệnh, trở về trạng thái “bình thường mới”, mọi hoạt động sẽ được khôi phục trở lại. Cơ hội việc làm sẽ bảo đảm đời sống cho người lao động. Bình Dương quyết tâm không để bất cứ người dân nào đang sinh sống trên địa bàn phải thiếu ăn. Mặt khác, các địa phương nơi người dân định về quê còn khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất trong công tác phòng, chống dịch bệnh… Đó là những lý do Bình Dương mong muốn người dân, công nhân, người lao động ở lại, không về quê tự phát vào thời điểm này.
Bình Dương có hơn 1,2 triệu người lao động ngoài tỉnh đến sinh sống, làm việc, học tập và gắn bó với mảnh đất nghĩa tình này. Thời điểm này khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, đẩy lùi, các doanh nghiệp cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho việc mở cửa đón công nhân, tổ chức sản xuất an toàn nhưng bảo đảm các quy định, hướng dẫn về dịch tễ của ngành y tế. Công nhân, người lao động hãy ở lại để nhà máy, xí nghiệp mở cửa; công xưởng, dây chuyền sản xuất lại sáng đèn… bắt đầu cho nhịp sống bình thường mới.
NHẬT HUY