Nhà tù Phú Lợi - Biểu tượng của lòng dũng cảm, kiên trung - Bài 2

Cập nhật: 30-11-2015 | 08:19:13

Bài 2: Biến lao tù thành trường học cách mạng

 

 Dù chế độ ở Nhà tù Phú Lợi vô cùng khắc nghiệt với những chuồng cọp, gạo mục, cá ươn... và những đòn tra tấn dã man, nhưng những chiến sĩ cách mạng kiên trung không hề chùn bước. Họ đã biến nơi này thành trường học chính trị. Đặc biệt, họ đã lập ra Đảng ủy Trung tâm Phú Lợi để tập hợp quần chúng đấu tranh với kẻ thù.

 Mô hình cán bộ, đảng viên phát loa kêu gọi quần chúng đấu tranh chống lại Mỹ - Diệm trong sự kiện ngày 1-12-1958 được dựng lại tại Nhà tù Phú Lợi. Ảnh: T.THẢO

 Người chiến sĩ kiên trung

Trong danh sách những người bị tù đày tại Nhà tù Phú lợi, cái tên Nguyễn Thị Hoa (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một) khiến cho nhiều người nể phục bởi bà đã có nhiều cuộc đấu tranh trực diện với bọn quản ngục trong nhà lao này. Cuộc đời bà Nguyễn Thị Hoa có gần 16 năm bị giam cầm trong ngục tù Mỹ - ngụy, từ trại giam Lái Thiêu đến khám đường Bình Dương, Phú Lợi, Chí Hòa, Côn Đảo… Mỗi nhà tù đi qua là những trận đòn tra tấn vô cùng dã man của địch. Và tại Nhà tù Phú Lợi này, bà đã bị địch đưa đi, chuyển về 3 lần, tổng cộng gần 3 năm.

Bà Hoa kể lại, bà được đưa từ Nhà tù Chí Hòa về Nhà tù Phú Lợi cùng mấy chục chị em khác. Mặc dù nhà tù này có cái tên rất kêu: “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, nhưng mới bước chân đến cổng Nhà tù Phú Lợi, bà đã nhìn thấy bọn giặc ở đây thật là ghê rợn. Điều kiện đặt ra ở đây là: “Phải chào cờ, suy tôn Ngô Tổng thống, phải học tập “tố cộng”. Không làm theo thì “không có ngày về”. Vì không làm theo yêu cầu của chúng nên bà và nhiều chị em khác bị đánh bằng roi điện, treo trên trần nhà…, nhiều người bị ngất. Không “dụ” được, cuối cùng chúng đưa bà xuống “Phòng kỷ luật” để cầm cố. Ở đây, chân bị còng tập thể, một người mắc tiểu thì 5 người phải lê còng đi theo, ăn cơm lạt, không cho tắm… Nhưng tất cả những điều này cũng không lay chuyển được bà và mấy chục chị em đi cùng từ Nhà tù Chí Hòa về. Vì vậy, mỗi lúc cường độ đánh đập, hành hạ càng nhiều hơn. Và bất cứ lúc nào, bọn địch cũng có thể gọi bà lên để hỏi có chịu “đả đảo cộng sản” không. Cứ như vậy, có khi chúng còng tréo hai tay ra sau lưng, rồi áp dụng nhiều cách trừng trị thâm độc hơn. Chưa hết, vào mỗi đêm, khoảng từ lúc 9 - 10 giờ, lúc chị em sắp ngủ, chúng múc nước dơ có lẫn sình non hôi thối, leo lên nóc xà lim dội xuống và đứng trên nóc xà lim dội qua “Phòng kỷ luật”. Vì vậy, hầu như ai cũng bị ghẻ lở, hóa chí. Bà Hoa tâm sự: “Ở “Phòng kỷ luật”, cuộc sống trong xà lim rất khổ lại ăn uống thiếu chất, cộng với bị đánh đập, hành hạ khắc nghiệt nên sức khỏe chị em suy sụp rất nhanh, nhất là số người lớn tuổi”.

Tất cả những điều dã mãn đó với bà Hoa giờ đây đã là quá khứ. Một quá khứ có quá nhiều đau thương, mất mát, tủi nhục nhưng vượt lên tất cả là hình ảnh những người chiến sĩ cách mạng kiên trung, không ngại nguy hiểm đấu tranh trực diện với kẻ thù. “Sở dĩ chúng tôi chịu đựng được những cảnh tra tấn dã man ấy là nhờ niềm tin tất thắng ở ngày mai. Chúng tôi tin rằng đất nước ta sẽ thống nhất”, bà Hoa tự hào cho biết.

Lý tưởng của Đảng soi đường

Còn với ông Đào Văn Tiên, một cựu tù chính trị ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, ký ức về những ngày bị giam cầm tại Nhà tù Phú Lợi với ông cũng sẽ không bao giờ quên. Ông có tổng cộng 15 năm tù đày thì hết 4 năm ở nhà tù Phú Lợi, 11 năm còn lại bị giam cầm ở chuồng cọp Côn Đảo. Ông cho biết, ở Nhà tù Phú Lợi, kẻ thù đã dùng đến nhiều nhục hình để tra tấn những người tù yêu nước. Những tên cai ngục đã đặt ra 10 điều nội quy rất khắc nghiệt, bắt tù nhân phải thực hiện, ăn ngủ, nói năng, đi lại và đến cái chớp mắt, cái nhìn nhau, hoặc cái giơ tay hay thậm chí là tiếng thở dài… nhất nhất đều phải theo điều chúng quy định. Chúng cô lập, hạn chế mọi sinh hoạt bình thường nhất của con người.

Sơ đồ tổ chức Đảng trong Nhà tù Phú Lợi

Tuy nhiên, tất cả những nhục hình đó đã không làm lung lay ý chí của ông và những người cộng sản kiên trung khác. Ông đã cùng sát cánh với các đồng chí của mình đấu tranh với kẻ thù. Ông kể: “Với những thủ đoạn, vừa khủng bố, vừa mị dân, Mỹ - Diệm hy vọng rằng sẽ dễ dàng chinh phục được trái tim và khối óc của những người yêu nước, những người cộng sản. Nhưng sự thực, chúng đã lầm! Tất cả những cảnh tra tấn dã man, đày ải, cực hình… cũng không làm suy sụp ý chí chiến đấu của anh chị em trong tù. Nên chỉ trong một thời gian ngắn, các đảng viên ở các trại đã tổ chức được đường dây liên lạc với nhau, các nhóm đảng viên các chi bộ bí mật lần lượt được thành lập”. Kể về hoạt động của tổ chức Đảng trong Nhà tù Phú Lợi, ông Bùi Văn Sửu, một cựu tù chính trị ở phường Phú Hòa cho biết, từ những năm 1957, Nhà tù Phú Lợi quy tụ rất đông đảo số lượng cán bộ, đảng viên từng công tác ở nhiều tỉnh, thành. Cụ thể, đến ngày 15-11-1958, tại Nhà tù Phú Lợi chứa khoảng 400 cán bộ từ cấp Chi ủy, Huyện ủy, Tỉnh ủy... trong tổng số 3.281 “Việt cộng” theo sự phân loại của Quản đốc Trung tâm. Mặc dù thời gian giam giữ ở Nhà tù Phú Lợi không dài nhưng nhờ kiên trung với lý tưởng của Đảng nên cán bộ, đảng viên tự động tiến hành chọn lọc, móc nối để lập ra chi bộ và Đảng bộ. Tiêu chuẩn để quy tụ đảng viên trong tù lao gồm: Tinh thần tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân; đoàn kết và lãnh đạo đấu tranh; đi tiên phong trong các cuộc chống địch; kiên quyết chống việc chiêu hồi.

Những năm 1958-1959, Đảng bộ Nhà tù Phú Lợi được củng cố tương đối mạnh cả về lượng và chất. Lực lượng cán bộ, đảng viên đều hoạt động đủ ở 3 trại và 8 phòng. Phòng nào cũng có chi bộ với số đảng viên từ 10 đồng chí trở lên. Hàng trăm người nắm sát tình hình diễn biến của quần chúng phản ánh lên cấp ủy. Nhờ đó, Đảng ủy lãnh đạo thông suốt, đồng thời còn nắm được lực lượng tổ chức tù nhân công khai như ban đại diện, đội kiểm soát, thư ký văn phòng, khu an trí viện, nhà bếp, bệnh xá... Vì trên nguyên tắc giữ bí mật tuyệt đối nên việc hội họp của cấp ủy cũng dùng biện pháp bí mật. Bằng hình thức đi bệnh xá, lao động, đi vệ sinh... để gặp gỡ, trao đổi nội dung lãnh đạo. Việc truyền đạt ý kiến chỉ đạo từ chi ủy đến các đảng viên trong phòng cũng nằm trong tình thế trên, song có nhiều thuận lợi hơn do ở gần nhau. Vì vậy, công tác tuyên truyền giáo dục nội bộ Đảng hay đối với quần chúng thu được nhiều kết quả. Ông Bùi Văn Sửu cho biết thêm, về công tác quần chúng, chi bộ Đảng dựa vào số tù nhân cùng sống chung với mình ở phòng giam làm cơ sở để giáo dục. Mục tiêu làm cho anh chị em đoàn kết giúp đỡ nhau lúc đau ốm, bị tra trấn; giữ vững lòng yêu nước, căm thù giặc. Hình thức tổ chức có kết quả nhất là tổ “Đồng hương”, nhóm đoàn viên thanh niên trung kiên…

Đảng ủy Trung tâm Phú Lợi có lúc thoái trào do cán bộ, đảng viên của ta bị địch lưu đày đi nơi khác, bị địch kiểm soát gắt gao... nhưng vượt qua tất cả, những đồng chí cán bộ, đảng viên kiên trung luôn tìm mọi cách liên lạc với nhau để tiếp tục làm nhiệm vụ. “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần phải càng cao”. Đây cũng chính là ý chí của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất bị giam cầm trong Nhà tù Phú Lợi năm xưa. Dù hoàn cảnh nào cũng chiến đấu chống lại kẻ địch với niềm tin sẽ có ngày tất thắng. (Còn tiếp)

 THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên