Sau 4 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 28-NQ/ TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã đi vào cuộc sống và lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Đến nay, công tác thực hiện chính sách, pháp luật BHXH đã đạt được một số kết quả tích cực, số lượng người tham gia BHXH tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, việc bao phủ đối tượng tham gia BHXH vẫn chưa được như kỳ vọng, cần có giải pháp đồng bộ để tiếp tục gia tăng diện bao phủ.
Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH ra đời với mục tiêu đưa BHXH trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Trong số các chính sách BHXH được sửa đổi theo tinh thần Nghị quyết số 28- NQ/TW, chính sách đưa nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt… tham gia BHXH bắt buộc đã mở ra con đường lớn để tăng độ bao phủ đối tượng tham gia. Cùng với đó, BHXH Việt Nam và các địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở nhóm lao động phi chính thức.
Kết quả đến hết năm 2019, tức chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện nghị quyết, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện cả nước tăng gần 300.000 người, bằng số người tham gia BHXH tự nguyện của cả 11 năm trước đó cộng lại. Từ năm 2020 đến nay, công tác phát triển số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn đạt được những kết quả ấn tượng. Thống kê đến tháng 6-2022, cả nước có 16,74 triệu người tham gia BHXH, tăng 193,8 ngàn người so với cuối năm 2021, trong đó số tham gia BHXH tự nguyện là trên 1,3 triệu người, tăng 170,9 ngàn người so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh những kết quả đạt được tích cực nói trên, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW vẫn còn gặp một số khó khăn, như: Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung; chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia; chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người tham gia; số người nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng; tình trạng nợ đọng, gian lận, trục lợi Quỹ BHXH vẫn còn xảy ra. Những bất cập, hạn chế này ít nhiều đã cản trở bước tiến mở rộng độ bao phủ để hướng tới BHXH toàn dân. Để BHXH thật sự trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, bệ đỡ vững chắc cho mỗi gia đình, cần nhanh chóng khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên. Để làm được điều này, hệ thống các cơ quan BHXH cần tiếp tục kiến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia BHXH. Về phía các địa phương, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức tham gia BHXH của doanh nghiệp và người dân.
LÊ QUANG