Đến Hội An, chúng tôi chỉ được tham quan những dấu ấn vật thể còn sót lại, ăn một vài món bản địa, mua hàng dệt may với chất lượng tầm tầm. Không khí “phi vật thể” của một thương cảng sầm uất khi xưa vẫn chưa có dịp hồi phục lại. PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận viết.
Tôi và con gái ngồi bệt trên hè phố, ăn chè quê với giá đắt gấp 1,5 lần so với chè tại Huế. Vừa ăn chúng tôi vừa chìm đắm vào một giấc mơ đẹp.
Phố cổ Hội An bảo tồn khá nguyên vẹn các khu phố cổ.
Trên bến, các thương điếm mọc lên san sát và chất đầy ắp hàng hoá chính phẩm từ những miền đất mà Hội An từng giao thương. Một thương gia Nhật trong vai của Momofuku Ando giới thiệu bằng tiếng Việt món mì ăn liền nổi tiếng của xứ Phù Tang. Người Indonesia chào mời bằng tiếng Anh “Pacific” vải thủ công nổi tiếng của họ. Còn mấy bác Ấn Độ thì đã bỏ hẳn nghề bán vải của cụ nội để quảng bá phần mềm dạy học từ xa mà T. Friedman sau khi đi thăm Bangalore về đã viết vô cùng phấn khích trong cuốn The World Is Flat.
Những hiệu may, đồ mỹ nghệ và các loại sản vật của Việt Nam thì được tổ chức quy củ theo phường hội. Cà phê Ban Mê Thuột, tiêu Phú Quốc, hành khô Phú Quý, nón bài thơ Huế, lụa Hà Đông... và ngoài ra còn có cả một sàn giao dịch nông lâm thuỷ sản, đặc biệt là lúa và cá basa - thế mạnh của vùng đất miền Tây Nam Bộ.
Muốn mua gì tuỳ thích, bán lẻ, bán buôn và thương mại điện tử đều minh bạch và tiện lợi. Đặc biệt, là chất lượng hàng hoá được kiểm soát chặt chẽ, giá cả được niêm yết rõ ràng và là giá gốc tại thương cảng. Bằng những hoạt động thương mại chuyên nghiệp và lấy chữ tín làm đầu, “thiên đường” mua sắm Hội An từng bước được khôi phục.
Dưới sông là chuỗi nhà hàng được thiết kế mô phỏng những con tàu nổi tiếng của thế giới sau thời phục hưng. Đó là chiếc tàu buồm Trung quốc (Junk) mà Marco Polo đã dùng để đón công chúa Nhà Nguyên đến làm dâu ở xứ Ba Tư. Lên tàu, du khách được thưởng thức ẩm thực Trung Quốc. Nếu có tiền và chịu chơi họ có thể gọi những món ăn kỳ thú mà Từ Hy Thái hậu đã buộc phải khao các sứ thần phương Tây sau cuộc chiến tranh Thuốc phiện.
Xa xa đằng kia là chiếc São Gabriel mà Vasco Da Gama đã dùng để vượt qua mũi Hảo Vọng Giác đến tận xứ Calicut (Ấn Độ) để qua mặt đế quốc Bizantin thiết lập quan hệ giao thương trực tiếp giữa châu Âu và châu Á. Chúng tôi không rành về ẩm thực Bồ Đào Nha, nhưng chắc rằng trên con tàu đó thì rượu Porto hẳn được đựng bằng thùng tô nô gỗ.
Thật là may, vì chúng tôi có mặt tại Hội An vào đúng dịp hạ thuỷ khách sạn nổi 6 sao, được mô phỏng theo kiểu tàu Eastindiaman (thế kỷ XVIII) của công ty Đông Ấn. Nó đang được hoàn thiện gấp rút và sang năm sẽ được khai trương.
Các con tàu vào thời vàng son của Hội An thường dài không quá 50 m, rộng khoảng 15 m, vì vậy tuyến bến hiện nay thừa sức để bố trí 6 con tàu đại diện cho các xứ xở Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Ả Rập và châu Âu, nhưng trước mắt có lẽ chi cần 3 để tạo bầu không khí bản địa của vùng Đông Á – ASEAN.
Năm bát chè đã hết, đã đến lúc thanh toán và trở về với thực tại. Tuy nhiên trên đường rời khỏi Hội An, hai cha con chúng tôi đều bị ám ảnh bởi câu hỏi, tại sao Hội An chưa phải là một điểm đến trong mơ? Biết đâu vào một ngày đẹp trời nào đó nó lọt vào mắt của hậu duệ Vasco Da Gama và mọi chuyện sẽ bắt đầu diễn ra theo như đúng trong mơ.
PGS. TS. Hoàng Xuân Nhuận
(THEO VNE)