Những “bài hịch” bất hủ - Bài 3

Cập nhật: 31-08-2016 | 09:24:23

Bài 3: Cương lĩnh quân sự với 318 từ

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức được thành lập. Trước đó 1 ngày, lãnh tụ Hồ Chí Minh gửi cho đồng chí Võ Nguyên Giáp một bức thư nhỏ đặt trong một bao thuốc lá, đó là bản chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội VNTTGPQ. Bản chỉ thị là sự kế thừa, phát triển những di sản tư tưởng quân sự phong phú của dân tộc, tiếp thu những giá trị tinh hoa tư tưởng của nhân loại. Mặc dù chỉ có 318 từ nhưng nội dung của chỉ thị rất súc tích, mang tính chất như một Cương lĩnh quân sự của Đảng; trong đó đã vạch rõ nguyên tắc, phương châm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.

Nhà bia Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng nơi thành lập Đội VNTTGPQ Ảnh:THÀNH SƠN

Trong quá trình tìm đường cứu nước, ngay từ năm 1922, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định: Con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản và để đi đến thắng lợi phải sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Người khẳng định: “Không có lực lượng vũ trang thì không thể đánh thắng được bọn áp bức”. Tư tưởng chỉ đạo của Người được ghi rõ trong văn kiện đầu tiên của Đảng từ ngày đầu mới thành lập, đó là phải “Tổ chức ra quân đội công - nông”.

Mở đầu bản Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ rõ lý do phải thành lập đội quân chủ lực: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”. Trong rất nhiều tác phẩm trước đó, Người đã sớm đề cập tư tưởng về thành lập quân đội, song chưa đề cập cụ thể phải thành lập ngay, chỉ đến khi phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng phát triển mạnh mẽ, thời cơ khởi nghĩa vũ trang tới gần, Người mới chủ trương thành lập “đội quân chủ lực”. Điều đó vừa đúng với lý luận Mác - Lênin về tình thế và thời cơ cách mạng, vừa xuất phát từ yêu cầu trực tiếp của phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng.

Đỉnh SLam Cao tại khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát để tìm cách đánh đồn Phai Khắt, sau khi Đội VNTTGPQ được thành lập Ảnh: THÀNH SƠN

Sự ra đời bản chỉ thị thành lập quân đội của Hồ Chí Minh còn xuất phát từ nhận thức đúng đắn của Người về vai trò của đội quân chủ lực làm “nòng cốt” cho toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Như vậy, Chỉ thị thành lập VNTTGPQ ra đời khi đã có những điều kiện chín muồi: Có Đảng lãnh đạo; Mặt trận Việt Minh được thành lập và có uy tín rộng rãi trong nhân dân; các khu căn cứ địa cách mạng được củng cố, mở rộng; phong trào cách mạng của quần chúng lên cao; lực lượng vũ trang của quần chúng lần lượt ra đời và phát triển mạnh mẽ… Những điều kiện trên đây đã tạo cơ sở vững chắc cho sự ra đời đội quân chủ lực, đáp ứng yêu cầu trực tiếp của khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Trong chỉ thị, Bác Hồ chủ trương “chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”. Như vậy, cách tuyển chọn để lập ra đội chủ lực của Hồ Chí Minh là tuyển những người cách mạng đang hoạt động trong các đội vũ trang địa phương, nhưng phải là những người ưu tú nhất, cùng với vũ khí hiện có. Việc tuyển chọn như thế sẽ tạo thuận lợi cho đội chủ lực khi mới ra đời vừa bảo đảm chất lượng về con người, vừa bảo đảm yếu tố bí mật, kịp thời, cho phép đội chủ lực có sức mạnh hoạt động được ngay. Thực tế cho thấy, ngay khi ra đời, đội quân chủ lực đã có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (đánh thắng các trận đồn Phai Khắt, Nà Ngần). Đây là dấu mốc đầu tiên của truyền thống quân đội là: Dám đánh, biết đánh và đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương, cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”. Đây chính là tư tưởng của Người về sự cần thiết phải xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân là sự kế thừa, đúc kết kinh nghiệm của dân tộc ta về xây dựng các thứ quân: “Quân triều đình”, “Quân các lộ” và “Dân binh”. Đặc biệt, Người đã kế thừa và phát triển tư tưởng của Ph.Ăng-ghen và V.I.Lê-nin về xây dựng các “đội dân cảnh”, xây dựng “quân đội thường trực” vào thực tiễn xây dựng quân đội ở Việt Nam. Theo tư tưởng chỉ đạo đó của Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích dần được hình thành và ra đời đáp ứng sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Tư tưởng này của Người tiếp tục phát triển và từng bước hoàn chỉnh cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt, nổi bật lên trong chỉ thị là nguyên tắc xây dựng đội quân chủ lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một đội tuyên truyền”. Điều này thể hiện rõ một vấn đề có tính nguyên tắc trong tư tưởng của Người về xây dựng đội quân chủ lực, đó là: “Chính trị làm gốc”, là nền tảng cho các hoạt động quân sự. Chính trị trong tư tưởng của Người là phương hướng giai cấp, thể hiện ở đường lối chính trị của Đảng. Điều này cũng có nghĩa là việc xây dựng quân chủ lực phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng; phải luôn lấy mục tiêu, đường lối chính trị của Đảng làm căn cứ để xây dựng; phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong bản chỉ thị, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra nguyên tắc xây dựng quân chủ lực đó là nguyên tắc tập trung. Chỉ thị chỉ rõ: “Tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên” và một nguyên tắc quan trọng mà Người đề cập là việc xây dựng quân chủ lực phải theo phương hướng: “Từ nhân dân mà ra”; “Người trước súng sau”. Chỉ thị cũng đã chỉ ra những vấn đề cơ bản về chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa quân chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương. Chức năng của quân chủ lực được đề cập trong chỉ thị là “đội tuyên truyền” và “đội quân chiến đấu”. Tư tưởng đó sau này được Bác hoàn thiện trong các tác phẩm kế tiếp thành đội quân chiến đấu; đội quân công tác; đội quân lao động - sản xuất. Xét vào điều kiện cụ thể khi mới ra đời đội quân chủ lực lúc đầu lấy tuyên truyền là chính, điều này được đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố trong buổi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: “Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”.

Kết thúc bản chỉ thị, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đội VNTTGPQ là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta…”. Và đúng như Bác Hồ đã dự đoán, sau đó, VNTTGPQ đã thống nhất với Cứu Quốc quân và lực lượng vũ trang các chiến khu, các địa phương trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Các chi đội Giải phóng quân đã tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, cùng toàn dân cả nước giành chính quyền, đưa đất nước ta chuyển sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. (còn tiếp)

 

THÀNH SƠN (tổng hợp)

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1049
Quay lên trên