Những bản hùng ca bất tử

Cập nhật: 28-04-2014 | 00:00:00

Tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2014), 39 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2014), trong suốt tuần qua Báo Bình Dương đã gửi tới bạn đọc các loạt bài về “Huyền thoại Điện Biên Phủ” và “Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Những mốc son chói lọi”. Đi cùng với những huyền thoại, mốc son ấy trong 2 cuộc chiến vĩ đại của dân tộc là chiến công của những anh hùng liệt sĩ. Mỗi tấm gương anh hùng liệt sĩ là một bản hùng ca bất tử, sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi với non sông Việt Nam.

Để khắc ghi, đền đáp công lao của các anh hùng liệt sĩ, những ngày này khắp nơi trong nước lại dấy lên phong trào “uống nước nhớ nguồn”. Đi cùng với các hoạt động trao tặng nhà tình nghĩa, chăm lo cho đối tượng chính sách của các cá nhân, doanh nghiệp; nhiều nơi còn tổ chức các hoạt động tưởng niệm, đại lễ cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ và những hoạt động nghĩa tình, thể hiện tấm lòng của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ. Và, cuộc thi viết cảm nhận về “Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh”, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Bình Dương phối hợp với các đơn vị trong tỉnh tổ chức là một hoạt động như thế. Có thể nói cuộc thi đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Với con số hơn 20.800 bài viết chỉ sau một năm phát động, cho thấy cuộc thi đã đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho nhiều đối tượng khác nhau đối với các anh hùng liệt sĩ. Nếu không có những cảm xúc dạt dào, không đồng điệu với lý tưởng sống cao đẹp của các anh hùng liệt sĩ, thì sẽ không có số bài tham gia nhiều như thế đối với một cuộc thi. Đa số các bài viết trong số đó là của thế hệ trẻ. Điều đó cho thấy thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc ghi công lao của các anh hùng liệt sĩ.

Hiện tại và tương lai, lịch sử Việt Nam sẽ đời đời ghi nhớ công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ. Khó có dân tộc nào trong lịch sử dựng nước và giữ nước phải đương đầu với nhiều thế lực giàu mạnh và hung hãn như dân tộc Việt Nam. Vừa đánh đổ được ách đô hộ của thực dân Pháp, cả dân tộc Việt Nam lại phải lao vào cuộc chiến ròng rã hơn 30 năm với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Trong suốt 2 cuộc trường chinh ấy, lớp lớp những người con ưu tú của dân tộc đã cầm súng ra trận. Hàng trăm ngàn người trong số đó đã hy sinh để đem lại huyền thoại Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tạo nên những mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam khi làm nên chiến thắng “rúng động thế giới” vào ngày 30-4-1975.

Rất khó để có thể thống kê chính xác có bao nhiêu anh hùng liệt sĩ đã xả thân mình qua 2 cuộc chiến. Chỉ tính riêng tại nghĩa trang Trường Sơn đã có hơn 10.000 bia mộ của những người con ưu tú yên nghỉ. Cùng với nghĩa trang Trường Sơn là hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ tại các tỉnh thành, huyện thị trên khắp mọi miền đất nước. Đến đâu trong số các nghĩa trang này, chúng ta cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những gương mặt rất trẻ trên các mộ bia! Họ nằm xuống với mãi mãi tuổi hai mươi, mang theo nhiều ước mơ và khát vọng. Họ để lại cho con cháu đời sau những bản hùng ca bất tử về tinh thần quật cường, dám xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên