Những ngày gần đây, sự việc thu hút đối với những ai quan tâm đến sự phát triển của nền kinh tế nước nhà là qua kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với Công ty Cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam có trụ sở tại quận 5, TP.HCM (viết tắt là ALC II) năm 2010 đã phát hiện đơn vị này thất thoát, lỗ hàng ngàn tỷ đồng.
Cho thuê tài chính là hoạt động tín dụng trung và dài hạn thông qua việc cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác trên cơ sở hợp đồng cho thuê giữa bên cho thuê là các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và bên thuê là khách hàng... Ở nước ta, công ty cho thuê tài chính thường là công ty con trực thuộc ngân hàng và ALC II là một đơn vị như vậy.
Theo kết luận kiểm toán trong 2 hoạt động chính đến năm 2009, mảng cho thuê tài chính của đơn vị này đã đạt dư nợ hơn 6.900 tỷ đồng nhưng có tới 60% là nợ xấu. Mảng đầu tư tài sản cho thuê là gần 4.600 tỷ đồng nhưng một tỷ lệ lớn là quá hạn, tiềm ẩn nguy cơ lỗ. Kết quả năm 2009, ALC II lỗ tới 3.000 tỷ đồng, chưa kể nếu phải trích lập dự phòng rủi ro các khoản đầu tư tài sản cho thuê thì lỗ sẽ tăng thêm 1.260 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã kết luận trong hoạt động cho thuê tài chính, Ban lãnh đạo đơn vị này đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trái quy định hiện hành. Việc thẩm định hồ sơ trước cho thuê có nhiều sai sót, nhiều khách hàng có tình hình tài chính khó khăn, đang là con nợ khó đòi của các tổ chức tín dụng khác nhưng lại được ALC II mua và cho thuê thêm tài sản. Đơn vị lại không thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra chất lượng, kiểm tra việc sử dụng tài sản cho thuê nên có một số tàu biển giao cho bên thuê sử dụng thời gian ngắn đã phải sửa chữa, nâng cấp, gây tốn kém thêm hàng trăm tỷ đồng...
Thực trạng ở ALC II và những con số nói trên thật sự làm ai trong chúng ta cũng phải giật mình và cả đau lòng... Bởi những sai phạm, thất thoát, lỗ nghiêm trọng tại ALC II ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 40.000 lao động trong hệ thống Ngân hàng NN&PTNT khi năm 2009, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng NN&PTNT là hơn 3.600 tỷ đồng nhưng hợp nhất ở khoản lỗ, lãi ở ALC II và các công ty con khác thì chỉ còn khoảng 744 tỷ đồng. Từ đó, thu nhập của người lao động trên toàn hệ thống dựa trên chỉ tiêu lợi nhuận của ngân hàng này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn...
Trong khi các ngành, các cấp, các địa phương đang tích cực triển khai và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo đó nhiều địa phương (trong đó có tỉnh Bình Dương) thực hiện việc cắt giảm đầu tư công một số công trình chưa cần thiết để tiết kiệm ngân sách dành cho những công trình, chương trình thiết thực hơn cùng với việc thực hiện tiết kiệm nhiều khoản chi khác... thì lại có những đơn vị lại để xảy ra thua lỗ, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, chỉ vì việc làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm của một nhóm người... quả là đau lòng, vì cuối cùng số tiền của bị thất thoát đó là cũng của Nhà nước, của nhân dân mà ra. Cả nước đã từng đau lòng với “sự cố” thất thoát củaVinashin và đã cố gắng vực dậy một doanh nghiệp có tầm cỡ của quốc gia. Bài học kinh nghiệm từ đây đang được nghiêm túc rút ra và quyết không để xảy ra trường hợp thứ hai. Thế nên, tình hình thất thoát và lỗ 3.000 tỷ đồng mà Kiểm toán Nhà nước kiểm tra và phát hiện ở ALC II theo nhiều ngành chức năng, một lần nữa đã đánh động cho các ngành, các cấp không chỉ ở Trung ương mà cả ở các địa phương đối với công tác quản lý, kiểm tra hoạt động sản xuất - kinh doanh và các hoạt động khác ở các doanh nghiệp Nhà nước - thành phần kinh tế được xem là giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Có nghĩa việc kiểm tra, giám sát các đơn vị này phải được làm thường xuyên, chặt chẽ và có trọng tâm, trọng điểm hơn.
DÂN THƯỜNG