Những điểm đến mang ý nghĩa giáo dục trên quê hương Dầu Tiếng anh hùng

Cập nhật: 22-10-2021 | 10:01:18

 Từ lâu, huyện Dầu Tiếng đã được du khách gần xa biết đến với những danh thắng nổi tiếng, như: Quần thể núi Cậu, chùa Thái Sơn, lòng hồ Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, trên vùng đất này còn có khá nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng.

Du khách tham quan khu di tích lịch sử Rừng Kiến An

Những điểm đến lịch sử

Một trong những điểm đến ý nghĩa trong hành trình về nguồn mà mỗi du khách khi đặt chân đến huyện Dầu Tiếng không thể bỏ qua đó là di tích Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh. Di tích này nằm trên địa bàn ấp 1, xã Minh Tân và đã được công nhận cấp quốc gia vào năm 2010.

Di tích Sở Chỉ huy nằm giữa rừng cây, xung quanh có nhiều con suối nhỏ, tạo cho mọi người một cảm giác bình yên, mát mẻ khi đặt chân đến đây. Trong thời gian qua, di tích Sở Chỉ huy đã được quan tâm đầu tư kinh phí trùng tu, xây dựng một số hạng mục nhằm góp phần giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Đến đây, du khách có thể tham quan, tìm hiểu truyền thống lịch sử đang được ghi dấu, lưu giữ tại nhà tưởng niệm, bia chiến thắng, các khu tái hiện lại nơi các đồng chí lãnh đạo làm việc, họp bàn kế hoạch và nơi sinh hoạt thường ngày như bếp Hoàng Cầm..., tái hiện lại cột mốc lịch sử quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Theo ông Đặng Minh Phước, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Dầu Tiếng, mặc dù là một cơ quan tạm thời, nhưng trong thời gian tồn tại của mình, Sở Chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của Bộ Chính trị giao, đó là giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng miền Nam trước mùa mưa, kết thúc thắng lợi 30 năm đấu tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang của nhân dân ta một cách trọn vẹn với thời gian nhanh nhất.

Một di tích lịch sử cách mạng khác trên địa bàn huyện Dầu Tiếng cũng được rất nhiều người biết đến, đó là Di tích lịch sử Rừng Kiến An. Rừng Kiến An đã được chọn làm căn cứ cách mạng từ thời Pháp thuộc. Đây là một khu rừng già, nằm giữa 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính, nên Rừng Kiến An đã trở thành vị trí đắc địa, có tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự trên cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn. Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Rừng Kiến An đã được nhiều đơn vị chủ lực kháng chiến chọn làm địa bàn đứng chân, xây dựng căn cứ trú đóng. Những khu rừng già bạt ngàn, trải rộng đã chở che an toàn cho biết bao cán bộ, chiến sĩ của ta. Bây giờ, khi đến với khu di tích này, chúng ta vẫn còn nhìn thấy nhiều loài cây cổ thụ, những tán rừng già rợp bóng mát mẻ.

Trong thời gian qua, khu di tích đã được đầu tư xây dựng các hạng mục, như: Nhà trưng bày truyền thống, khu di tích lịch sử tái hiện nơi sinh hoạt, hầm làm việc lợp lá Trung Quân, bếp ăn Hoàng Cầm, giao thông hào đi lại giữa các căn hầm... Những hình ảnh tái hiện này không chỉ góp phần lưu giữ giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống, mà còn giúp cho chuyến tham quan của du khách thêm phần thú vị, ý nghĩa hơn.

Sau khi rời Di tích Rừng Kiến An, còn một điểm đến mà du khách không thể bỏ qua trong chuyến hành trình về với lịch sử trên vùng đất anh hùng này, đó là Di tích vườn cây Cao su thời Pháp thuộc. Di tích này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2009.

Thông tin liên hệ: Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương; Địa chỉ: 239 Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương;

Điện thoại: (0274) 3 855 636; Website: dulichbinhduong.org.vn

Email: ttxtdl@binhduong.gov.vn

Đến với di tích lịch sử này, du khách sẽ “nhìn thấy” một xã hội thu nhỏ về một thời đau thương, mất mát của những kiếp người bị bóc lột tàn bạo bởi bọn chủ thực dân và tay sai bản xứ qua những hình ảnh được tái hiện lại.

Để góp phần giáo dục truyền thống về di tích lịch sử này và phục vụ các đoàn khách tham quan, từ tháng 10-2010, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã khởi công xây dựng ở đây một “Khu trưng bày Di tích lịch sử làng Cao su thời Pháp thuộc”. Khu trưng bày này nằm trong Lô 50, Làng 14, Nông trường Trần Văn Lưu (xã Định Hiệp). Đây là lô cao su được trồng từ những năm 1920 nhưng vẫn còn giữ nguyên hiện trạng, với hàng trăm cây cao su già cỗi, trên thân vẫn còn lưu dấu những vết hằn từ đường dao cạo mủ của phu công tra xưa. Vườn cây cao su thời Pháp thuộc là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử, thể hiện sự phát triển của phong trào đấu tranh của công nhân trong các đồn điền cao su. Vì thế, dù đã ngưng khai thác mủ từ 2005 nhưng lô cao su này vẫn được giữ lại để làm chứng tích ghi dấu một thời kỳ lịch sử của dân tộc.

Đặc biệt, trong khu trưng bày này có nhiều hiện vật giá trị được sưu tầm nguyên bản như: 3 căn nhà ở của công nhân công tra xưa (2 căn xây bằng đá, 1 căn xây bằng gạch) được làm trong những năm 1925-1935. Cách đó không xa là một nhà máy chế biến mủ tờ “mini” được dời một phần từ nhà máy ở trung tâm công ty do người Pháp để lại, cùng với một máy bửa củi để lấy củi đưa vào lò xông. Phía bên phải cổng vào còn có căn nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật quý...

Thu hút du khách đến với Bình Dương

Trong những năm gần đây, ngành du lịch Bình Dương đã triển khai việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực vùng Đông Nam bộ. Trong một số tour, tuyến du lịch đã hình thành, kết nối du lịch Bình Dương với các tỉnh, thành trong vùng luôn có những điểm đến trên địa bàn huyện Dầu Tiếng.

Khi đến với huyện Dầu Tiếng, ngoài những thắng cảnh đẹp hàng đầu của tỉnh do thiên nhiên ban tặng, như: Núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng cùng với những điểm đến nằm trong quần thể di tích này, một trong những tiềm năng phát triển du lịch đang được ngành du lịch Bình Dương hết sức quan tâm đó là những di tích lịch sử chứa đựng nhiều giá trị. Ngoài Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, Di tích Rừng Kiến An và Di tích vườn cây Cao su thời Pháp thuộc đều được công nhận là di tích cấp tỉnh. Đây chính là điều kiện thuận lợi để bảo vệ, giữ gìn và phát huy hơn nữa những giá trị mà các di tích đang lưu giữ nhằm giới thiệu và thu hút du khách đến với Bình Dương trong thời gian tới.

Ông Phạm Hồng Thi, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh, cho biết trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh cũng như huyện Dầu Tiếng đều bị tạm dừng một thời gian dài. Hiện nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, ngành du lịch Bình Dương đang từng bước khôi phục để hoạt động trở lại. Vì thế, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh hết sức quan tâm đến việc giới thiệu, quảng bá các điểm đến trên địa bàn tỉnh, trong đó có các di tích lịch sử cách mạng ở huyện Dầu Tiếng để giới thiệu với du khách gần xa.

Tìm về giá trị lịch sử truyền thống luôn có ý nghĩa hết sức đặc biệt, giúp du khách, người dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ có cơ hội được tiếp xúc, hiểu thêm về truyền thống đầy tự hào của các thế hệ cha ông. Với sự đầu tư cải tạo, tái hiện các hạng mục phục vụ nhu cầu của khách tham quan, cùng với những giá trị lịch sử mà các di tích đang chứa đựng, hy vọng rằng khi các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh được “khởi động” lại, những di tích này sẽ trở thành điểm đến ý nghĩa của du khách khi đến với Bình Dương.

 Ngoài Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, Di tích Rừng Kiến An và Di tích vườn cây Cao su thời Pháp thuộc đều được công nhận là di tích cấp tỉnh. Đây chính là điều kiện thuận lợi để bảo vệ, giữ gìn và phát huy hơn nữa những giá trị mà các di tích đang lưu giữ nhằm giới thiệu và thu hút du khách đến với Bình Dương trong thời gian tới.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=676
Quay lên trên