Những điểm đến thú vị, hấp dẫn ở Văn Bàn
Văn Bàn là huyện cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Lào Cai. Sở hữu vẻ đẹp thuần khiết, yên bình, Văn Bàn hội tụ nhiều tiềm năng để khai phá, phát triển du lịch chất lượng cao nhờ có hơn 2/3 diện tích rừng tự nhiên với nguồn sinh thái đa dạng; giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của 11 dân tộc, có 14 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với định hướng, quy hoạch bài bản, Văn Bàn hứa hẹn trở thành điểm đến chất lượng với nhiều địa chỉ hấp dẫn.
Đền Ken - điểm đến miền tâm linh
Ngoài điểm du lịch tâm linh nổi tiếng đền Cô Tân An, đền Ken ở xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn cũng là địa chỉ tâm linh nổi tiếng. Đền Ken, còn gọi là đình Ken tọa lạc trên đỉnh đồi Pù Đình, giữa lòng thôn Ken, được lập dựng từ đầu thế kỷ XIX. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Ken từng nhiều lần bị tàn phá, có lúc tưởng chừng không còn dấu tích. Năm 2006, đền chính thức được tôn tạo, xây dựng lại khang trang và được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đền Ken nổi tiếng linh thiêng.
Ngay khi bước chân vào cổng, ngôi đền khiến du khách ngỡ ngàng bởi vẻ cổ kính, uy nghiêm và trầm mặc. Những cây đa cổ thụ, cây lim xanh to cao sừng sững, buông hạt đầy sân và đặc biệt là quần thể cây sui cổ thụ gần 300 năm tuổi đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2017.
Ông Lư Quốc Lưu, thủ nhang đền Ken cho biết: Chúng tôi đã và đang cố gắng chăm sóc, bảo tồn, giữ gìn không gian, kiến trúc đền và các cây cổ thụ ở đền Ken, để mỗi khi người dân và du khách tới đây sẽ cảm nhận được trọn vẹn sự uy nghiêm, linh thiêng, cũng như những giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền.
Mỗi năm, đền Ken đón khoảng hơn 10 nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái. Đến đền Ken, du khách không những được thành kính dâng hương tại ngôi đền linh thiêng mà còn được tận hưởng không khí trong lành, tươi mát dưới những tán cây cổ thụ. Di tích lịch sử văn hóa đền Ken và quần thể cây sui cổ thụ là điểm đến lý tưởng trong hành trình du lịch tâm linh của du khách khi đến huyện Văn Bàn.
Về suối Nhù tắm lá thuốc
Thôn Đồng Qua, xã Liêm Phú (Văn Bàn) có hơn 100 hộ người Tày sinh sống. Nơi đây có những đồng lúa trải dài, những nếp nhà sàn truyền thống nép mình dưới tán cọ xanh mướt, uốn lượn quanh dòng suối Nhù trong lành, thơ mộng. Do đó, nơi đây là điểm đến cho nhiều du khách thích trải nghiệm, khám phá bản làng hay chỉ đơn giản là muốn tìm một không gian bình yên để nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.
Anh Lưu Đức Trung ở thành phố Lào Cai chia sẻ: Gia đình tôi thích du lịch trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa Tày nên thi thoảng về Liêm Phú chơi. Ở đây, chúng tôi được phục vụ ăn uống, ngủ, nghỉ và tham gia nhiều hoạt động thú vị như bắt cá suối, câu cá, hái rau, tắm lá thuốc…
Các homestay ở Liêm Phú có dịch vụ tắm lá thuốc.
80 nghìn đồng/người/lượt ngâm tắm lá thuốc, những dịp cuối tuần, lễ, tết, hầu như khách đến nghỉ dưỡng tại đây đều đặt dịch vụ tắm lá thuốc. Đặc biệt, với xu hướng du lịch Tết, khoảng 2 năm trở lại đây, dịp nghỉ tết Nguyên đán, homestay Suối Nhù của nhà chị Danh lại đón các đoàn khách đến nghỉ dưỡng, ăn Tết cùng gia đình và trải nghiệm những ngày tết cổ truyền cùng người Tày trong thôn. Hiện đã có đoàn khách khoảng 40 người từ dưới xuôi đặt dịch vụ để thực hiện chuyến du lịch Tết tại đây.
Nếu muốn tìm một điểm đến để nghỉ dưỡng và trải nghiệm thì Đồng Qua, xã Liêm Phú sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.
Suối Đén - điểm check-in lý tưởng
Suối Đén - ẩm thực Tây Bắc ở Bản Nỏng, xã Khánh Yên Thượng cũng là một điểm đến lý tưởng để thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo của người Tày nói riêng và vùng cao Tây Bắc nói chung khi du khách tới Văn Bàn. Suối Đén là nơi cô giáo mầm non người Tày tên Hoàng Hương Sen dành nhiều tâm huyết xây dựng và phát triển, với mong muốn tạo một điểm đến ấn tượng cho người dân và du khách khi tới Văn Bàn.
“Tôi muốn giới thiệu tới du khách nhiều món ăn đậm đà bản sắc dân tộc vùng Tây Bắc nói chung, đặc biệt là các đặc sản mang phong cách đặc trưng của người Tày ở Văn Bàn nói riêng. Từng món ăn tại đây không chỉ mang hương vị thơm ngon mà còn chứa đựng tinh hoa văn hóa ẩm thực bản địa, khiến thực khách nhớ mãi không quên”, chị Hoàng Hương Sen chia sẻ.
Bên cạnh thu hút du khách qua các món ăn độc đáo, chị Sen còn tạo ấn tượng với du khách khi tới với Suối Đén bởi không gian rộng rãi, thoáng đãng, được thiết kế hài hòa, mang đến cảm giác thư thái, bình yên. Đây trở thành địa điểm “check-in” lý tưởng cho du khách với vườn hoa rực rỡ sắc màu, những góc decor độc đáo và cảnh quan hùng vĩ xung quanh. Chỉ với 20 nghìn đồng/lượt, du khách có thể tìm những không gian yêu thích để vui chơi, trải nghiệm và lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời tại đây.
“Miền cổ tích” Dương Quỳ
Dương Quỳ được biết đến với những cánh đồng bằng phẳng, dòng suối hiền hòa, núi non hùng vĩ. Bên cạnh đó là những bản làng trù phú, mang đậm nét văn hóa dân tộc Tày. Đến Dương Quỳ vào thời điểm tháng 9 âm lịch, du khách sẽ được hòa mình vào không gian Lễ hội Cốm và tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn, thú vị.
Ngoài ra, tới đây, vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, du khách cũng sẽ có cơ hội được hòa mình vào thiên nhiên xanh tươi, chiêm ngưỡng những mái nhà sàn lợp cọ đậm bản sắc văn hóa. Dương Quỳ hiện còn lưu giữ nhiều ngôi nhà sàn cổ của đồng bào Tày qua nhiều thế hệ. Những căn nhà truyền thống được dựng bằng vật liệu sẵn có, mái lợp bằng mái tôn thay thế lá cọ hoặc cỏ gianh truyền thống, sàn được lát bằng tre hoặc gỗ; giàu hay nghèo cũng là nhà 5 gian, lưng tựa vào núi, mặt quay ra dòng sông Nậm Chăn thơ mộng chảy qua bản làng.
Du lịch trải nghiệm tại các bản làng được nhiều người yêu thích khi tới Văn Bàn.
Dương Quỳ trở thành điểm đến của du khách đã thôi thúc nhiều người dân trong vùng cải tạo cảnh quan, mở các dịch vụ homestay, nhà hàng, điểm check- in để đón khách. Hiện xã Dương Quỳ đã có 2 hộ cải tạo nhà sàn truyền thống làm homestay và trở thành điểm đến thú vị cho nhiều du khách khi tới đây.
Theo baolaocai.vn