Những điểm du lịch lễ hội tháng 4

Cập nhật: 18-04-2010 | 00:00:00

 

1. Lễ hội đền Hùng

  

Lễ hội đền Hùng năm 2009.

Ngày 10-3 âm lịch hàng năm, người dân thập phương lại hành hương về thành phố Việt Trì, Phú Thọ để tham dự ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ hội diễn ra từ ngày 8 đến 11-3 nhưng chính hội vào 10 (ngày 26-4 dương lịch năm nay). Trong ngày này có lễ dâng hương tại đền Thượng, tương truyền là nơi xưa kia vua Hùng tế trời đất, và lễ rước kiệu. Khách đến đây còn được hòa vào không khí hội hè với các trò chơi dân gian, nghe hát xoan, ca trù...

 

Ngoài lễ hội dâng hương ở Phú Thọ, vào ngày 10-3, còn diễn ra lễ dâng bái tại đền Hùng ở TP.HCM, đền Hùng ở Nha Trang và nhiều địa phương khác.

 

2. Lễ hội trên mây Sa Pa

 

Trong dịp nghỉ lễ 30-4,1-5, du khách tới Sapa, Lào Cai không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp hữu tình của thị trấn vùng cao mà còn được tham dự lễ hội trên núi Hàm Rồng, cao 1.700m so với mực nước biển. Du khách còn được xem các trò chơi dân tộc cổ truyền độc đáo và thưởng thức các món ăn của đồng báo dân tộc ít người vùng Tây Bắc.

 

3. Lễ hội chùa Thầy

 

Chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội là nơi thờ sư Từ Đạo Hạnh, hàng năm diễn ra lễ hội từ ngày 5 đến  7-3 âm lịch (18 đến 20-4 dương lịch).

 

4. Lễ hội đền Đô

 

Sau hội Lim, các bạn yêu vùng đất Kinh Bắc có thể trở lại nơi đây tham dự lễ hội đền Đô, được tổ chức vào ngày 15-3 âm lịch (28-4 dương lịch) tại làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Lễ hội với đám rước hàng vạn người, đi đầu là các thanh niên trai tráng cởi trần đóng khố, rước 8 cỗ kiệu mang bài vị của 8 vị vua triều Lý. Ngoài lễ rước, du khách sẽ được thưởng thức các điệu hát quan họ trữ tình, hát tuồng, thi đấu vật, nấu cơm niêu, gói bánh phu thê.

 

5. Lễ hội Trường Yên

 

Tới cố đô Hoa Lư, Ninh Bình vào đầu tháng 3 âm lịch, bạn sẽ tham dự lễ rước nước và lễ tế tại đền vua Đinh, vua Lê. Trong phần hội, du khách được hòa cùng các trò vui như đấu vật, đua thuyền, múa rồng, chơi cờ người, đặc biệt là trò Cờ lau tập trận, diễn lại sự tích quãng đời chăn trâu thuở nhỏ của Đinh Bộ Lĩnh.

 

6. Lễ hội Bạch Đằng

 

Vào ngày 8-3 âm lịch, tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà và các đền thuộc huyện Yên Hưng, Quảng Ninh diễn ra lễ hội suy tôn các anh hùng dân tộc đã có công chống giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng. Lễ hội gồm lễ rước và các trò chơi đua thuyền, diễn xướng, thi đấu vật, cờ người.

 

7. Hội Phù Dày

 

Ngày 3-3 âm lịch (16-4 dương lịch), những người theo đền, điện và yêu thích chầu văn lại đổ về xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tham dự hội Phù Dày. Du khách về đây để dự ngày giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ngắm cảnh chùa và còn thưởng thức những điệu hát chầu văn say lòng người.

 

8. Lễ hội Cá Ông

 

Đây là lễ hội lớn nhất của ngư dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tổ chức vào tháng 3 âm lịch. Các ngư dân thường chăng đèn kết hoa rực rỡ trên thuyền, làm lễ cầu an vào đêm đầu tiên.

 

9. Lễ hội Hòn Chén

 

Dịp 3-3 âm lịch, tại núi Ngọc Trản và đình làng Hải Cát của huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra lễ hội suy tôn Thiên Y A Na, vị thần của người Chăm đã sáng tạo đất đai, hoa màu, dạy dân cách trồng trọt. Lễ rước diễn ra trên những chiếc thuyền trang trí rực rỡ vào ban đêm trên sông Hương, trong tiếng nhạc của phường hát văn và phường bát âm. Ngày hôm sau là lễ đại tế tại đình và lễ rước kiệu về điện Hòn Chén. Trong đêm kết thúc, có lễ phóng sinh và thả đèn trên sông.

 

10. Hội Vàm Láng (Nghinh Ông)

 

Tới xã Kiêng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang vào ngày 10-3 âm lịch (23-4 dương lịch), du khách được tham dự lễ hội được tổ chức quy mô ở lăng ông Nam Hải. Ngoài phần rước, lễ trên biển với hàng trăm tàu thuyền được trang hoàng lộng lẫy, phần hội hấp dẫn người dân với màn hát bội, hát cải lương, các trò chơi như kéo co, bơi lội... Dân làng được xem hát, ăn uống, vui chơi suốt 2 ngày.

 

11. Lễ hội té nước ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar

 

Cứ vào khoảng giữa tháng tư hàng năm, người dân Thái Lan, Lào, Myanmar và Campuchia lại tưng bừng tổ chức lễ hội té nước mừng năm mới (theo lịch Phật giáo) để cầu sức khỏe, may mắn và bình yên cho cả năm. Ở Thái Lan, dịp lễ này được gọi là Songkran, ở Campuchia là Chol Chnam Thmay, ở Lào là Bunpimay và ở Myanmar là Thingyan. Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 15-4 với các hoạt động như đi lễ chùa cầu bình an, thực hiện nghi thức tắm Phật và sau đó đổ ra đường phố, lấy nước dội lên nhau thay cho lời chúc mừng năm mới.

 

(THEO VIỆT BÁO)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên