Những động thái đáng mừng

Cập nhật: 29-08-2011 | 00:00:00

Dưới sức ép của người dân, các chuyên gia kinh tế, một số vị đại biểu Quốc hội và của toàn xã hội, Bộ Tài chính đã đồng ý giảm giá xăng dầu từ 300 đến 500 đồng/lít từ tối ngày 26-8. Động thái giảm giá đợt này được cho là chậm chạp và không minh bạch vì khi giá thế giới tăng thì giá trong nước tăng ngay, nhưng khi giá thế giới giảm thì viện dẫn nhiều lý do để trì hoãn việc giảm giá. Ví như lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất vào cuối tháng 3-2011 đã tăng tới 2.800 đồng/lít xăng A95, từ 19.000 lên 21.800/lít. Chưa kể trước đó một tháng đã có sự điều chỉnh tăng giá từ 2.900 - 3.550 đồng/lít tùy loại. Tính chung, chỉ trong vòng 35 ngày (từ ngày 24-2 đến 29-3) giá xăng dầu trong nước tăng hơn 5.000 đồng/lít. Trong khi đó, hiện giá xăng dầu thế giới đã liên tục điều chỉnh từ một tháng nay với mức giá giảm 20 USD/thùng nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ giảm cho có lệ để xoa dịu dư luận. Tuy nhiên, dù sao đi nữa thì việc giảm giá mặt hàng nhạy cảm này là một tín hiệu đáng mừng vì nó ảnh hưởng đến đời sống của toàn xã hội, giúp thị trường hình thành nên một mặt bằng giá mới theo hướng tích cực hơn, giúp chỉ số lạm phát của nền kinh tế tăng chậm trở lại.

Tín hiệu đáng mừng thứ hai là mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chủ trì cuộc họp với các ngân hàng thương mại và đi đến thống nhất sẽ đưa lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh xuống còn 17 - 19%/năm. Đồng thời, NHNN sẽ ban hành chính sách tháo gỡ rào cản gây tắc vốn giữa thị trường 1 (huy động từ doanh nghiệp, cá nhân) và thị trường 2 (huy động từ ngân hàng khác) từ hơn 1 năm nay. Nếu lãi suất được kéo về 17 - 19%/năm sẽ giúp nhiều doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác có điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động; đồng thời giúp giảm bớt đáng kể số doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản do lãi suất cao. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 6.000 doanh nghiệp Việt Nam phá sản nhưng trong 8 tháng qua có đến 12.000 doanh nghiệp bị “khai tử” do ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế, trong đó có không ít doanh nghiệp do không chịu nổi lãi suất ngân hàng cao, lãi làm ra không đủ trả ngân hàng, thà đình đốn sản xuất hoặc tự phá sản còn hơn bị siết nợ.

Rõ ràng, những động thái giảm giá xăng dầu và giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng là một tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế dưới sự điều hành đúng hướng của chính sách vĩ mô.

MINH DÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên